Phát triển nhà ở xã hội là chính sách kinh tế nhân văn không phải từ thiện
Đó là quan điểm của TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia đưa ra tại hội thảo Đột phá phát triển nhà ở xã hội do báo Người Lao Động tổ chức sáng 28/3.
Nói về cung cầu nhà ở xã hội, TS. Cấn Văn Lực cho biết, thời gian qua kế hoạch phát triển nhà ở xã hội chỉ mới đạt 62%. Vị này dự báo, nguồn cung nhà ở xã hội giai đoạn 2012 – 2030 tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu.
Theo ông Lực, không phải bây giờ mới làm xã ở xã hội, thị trường nhà ở xã hội đã sôi động trở lại trong 2 năm qua. Tuy nhiên cũng còn nhiều điều cần phải bàn khi việc đầu tư gặp không ít khó khăn thách thức.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng, có 7 vướng mắc khiến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội không lớn nổi. Cụ thể, chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu, cách tiếp cận; vướng về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục thực thi; vướng về quỹ đất, vướng về vốn; giới hạn lợi nhuận của các dự án; vướng mắc liên quan đến trình tự thủ tục mua, thuê; cuối cùng là một số vấn đề khác.
“Nhà ở xã hội là câu chuyện từ thiện, rẻ mạt, có cũng như không. Đây là quan điểm sai lệch, cần thay đổi. Chính sách phát triển nhà ở xã hội chính là chính sách kinh tế nhân văn mang tính chất ổn định an sinh xã hội, không phải từ thiện”, TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Chỉ ra những điểm hạn chế phát triển nhà ở xã hội, song TS. Cấn Văn Lực cũng cảnh báo, không nên phát triển nhà ở xã hội theo phong trào. Xây dựng nhà ở xã hội tại các thành phố lớn với nhu cầu cao, không xây đại trà ở nhiều tỉnh – thành khác.
Đề cập đến những rào cản phát triển nhà ở xã hội, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, vốn và lãi suất chính là một trong những khó khăn cần giải quyết.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành khẳng định, nghe nhiều, nhiều lắm về gói vay ưu đãi này, ưu đãi kia nhưng toàn nghe trên báo, trên ti vi chứ chưa thấy đâu. Trong khi đó, lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là 14%, gần đây giảm còn 12%. Mức lãi vay như vậy là quá cao, không phù hợp với nhà ở xã hội.
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ, có một số nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng phát triển nhà ở xã hội.
Đó là cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra.
Theo ông Hưng, những nội dung này đã được Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10-2023.
Về câu hỏi làm thế nào để đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, theo ông Hà Quang Hưng, vấn đề đầu tiên là hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó Bộ Xây dựng đang sửa đổi Luật Nhà ở 2014.
Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay là rất lớn và cấp bách. Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.
Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-11-2011. Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn.