Loạt doanh nghiệp bất động sản ‘ôm’ nợ cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu
Trong số các doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa lớn trên 1.000 tỷ đồng, có không ít công ty "ôm" khoản nợ cao gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu.
Công ty CP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên
Tại Báo cáo Tài chính (BCTC) hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán của Công ty CP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (MCK: NTC, UpCOM), doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm của công ty này là 268,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện của năm trước.
Tuy nhiên, do tiết giảm giá vốn nên lợi nhuận gộp không chênh lệch nhiều so với năm 2021, ở mức 189,4 tỷ đồng.
Chi phí lãi vay tăng mạnh từ 1,7 tỷ lên 7,9 tỷ trong khi các khoản chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều giảm đáng kể; lần lượt ở mức gần 3,1 tỷ đồng và 30,9 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận trước thuế của NTC là 305,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ở mức 256,4 tỷ đồng, giảm hơn 37,8 tỷ đồng (tương ứng 12,85%) so với thực hiện năm 2021.
Theo giải trình tại văn bản số 122/NTC-TCKT từ phía Nam Tân Uyên, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trên là vì doanh thu hoạt động tài chính kỳ này giảm 38,26%, tương đương 37,48 tỷ đồng; chủ yếu do cổ tức nhận được từ các công ty đầu tư bên ngoài thấp hơn so với cùng kỳ trước.
Cũng theo BCTC năm 2022, nợ phải trả tính đến cuối năm là 3.346 tỷ đồng, chủ yếu là nợ dài hạn 3.017 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của NTC lại chỉ ở mức 714 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu của NTC lên tới 4,7 lần.
Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG
Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (MCK: SIP, UpCOM) cũng là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa hơn nghìn tỷ nhưng lại đang "ôm" nợ gấp nhiều lần.
Theo BCTC hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán, doanh thu thuần cả năm của SIP ở mức 6.034 tỷ đồng, tăng 457 tỷ đồng so với năm 2021; lợi nhuận gộp đạt 901 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế 1.245 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước đó; lãi sau thuế là gần 1.010 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ở mức 977 tỷ đồng.
Phía SIP cho biết, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 8,16% do doanh thu từ cung cấp điện, nước và dịch vụ tiện ích KCN tăng so với cùng kỳ năm trước. Chính yếu tố này làm cho lợi nhuận sau thuế tăng so với thực hiện năm 2021.
Khoản nợ phải trả tính đến cuối năm 2022 lên tới 15.342 tỷ đồng, tăng 823 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chủ yếu là nợ dài hạn gần 13.500 tỷ đồng.
Với vốn chủ sở hữu 3.600,8 tỷ đồng, nợ phải trả hiện đang gấp 4,2 lần vốn chủ sở hữu của SIP.
Đáng chú ý, NTC và SIP có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tính đến ngày 31/12/2022, SIP đang đầu tư góp vốn vào NTC với tỷ lệ sở hữu 24,87%. Ngược lại NTC cũng đang đầu tư tài chính vào SIP 91 tỷ đồng.
Công ty Hiệp Phước
Theo BCTC riêng năm 2022 đã kiểm toán của Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước (MCK: HPI, UPcom), nợ phải trả của doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2022 ở mức 2.126,3 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu gần 295,5 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu của HPI lên tới hơn 7 lần.
Kiểm toán cũng đã lưu ý đến tình hình tài chính của HPI khi nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn do công ty trích trước giá vốn cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và chi phí hoàn thành dự án theo ngân sách đầu tư.
Được biết, Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận hiện đang là cổ đông lớn tại HPI.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPI của doanh nghiệp này đang trong diện hạn chế giao dịch.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Một trong những nội dung đáng chú ý là bổ sung quy định tổ chức tín dụng chỉ được mua TPDN có hệ số nợ phải trả (bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành) của doanh nghiệp phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành đã được kiểm toán tình hình sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phát hành.
Như vậy, quy định này sẽ hạn chế các đối tượng là tổ chức phát hành có đòn bẩy cao hơn 5 lần sẽ không được tổ chức tín dụng mua TPDN; góp phần hạn chế trường hợp các tổ chức phát hành gia tăng nợ xấu và không có đủ điều kiện để thanh toán gốc lãi trái phiếu đúng hạn, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.