Thi tốt nghiệp THPT: Thay đổi để phù hợp – Bài 3: Bao giờ có cơ sở dữ liệu tuyển sinh chung?
Thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH) trên một phần mềm chung, trong khi muốn học trường cao đẳng (CĐ) phải làm hồ sơ xét tuyển riêng từng trường. Công tác phân luồng học sinh khó khăn, các trường nghề khó tuyển sinh vì thiếu thông tin… Nhìn từ việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, những bất cập cần được sớm tháo gỡ vì lợi ích thiết thực của người học.
Trường nghề khó tiếp cận học sinh
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm tạo động lực học tập tích cực cho học sinh. Đồng thời cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Tuy nhiên, khi các trường nghề không nắm được dữ liệu về học sinh phổ thông, việc tuyên truyền, hướng nghiệp đến người học rất khó khăn.
Ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Yên Bái cho biết, mặc dù tỉnh rất quan tâm đến công tác phân luồng học sinh sau THCS, tuy nhiên vì không có dữ liệu nguồn đầy đủ được cập nhật thường xuyên, liên tục nên kết quả tuyển sinh vẫn còn những hạn chế. Trong đó, để phục vụ công tác tuyển sinh, nhà trường hàng năm phải chủ động “gõ cửa” các trường phổ thông để có dữ liệu về học sinh. Tuy nhiên, việc làm này vẫn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ và phụ thuộc nhiều vào sự hợp tác của các trường phổ thông.
Nhiều ý kiến cũng đồng tình với quan điểm này khi thực tế hàng năm phần lớn các nhà trường chỉ tổng kết, tôn vinh các học sinh đạt thành tích cao trong xét tuyển ĐH, tỷ lệ đỗ vào các trường cấp 3 công lập… mà hiếm khi vinh danh những học sinh học nghề, nên không phải trường nào cũng tạo điều kiện để trường nghề cùng tham gia tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.
Tương tự, ông Lê Đình Thâm - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Đồng Nai cho biết, năm 2022 trường tuyển được hơn 2.000 chỉ tiêu, chủ yếu trường tuyên truyền trực tuyến và “gõ cửa” trực tiếp các trường phổ thông. Trường chủ động tìm thí sinh và thí sinh chủ động tìm đến trường, chủ động chọn học nghề thì dễ song những thí sinh chưa biết đến trường nghề, vẫn mông lung trong định hướng sau THCS, THPT thì nếu sử dụng phiếu đăng ký xét tuyển chung, phần mềm nhập liệu chung sẽ giúp thí sinh có thêm lựa chọn và việc đăng ký của thí sinh cũng thuận lợi hơn.
Từ năm 2017, các trường CĐ, trung cấp chính thức chuyển giao sự quản lý từ Bộ GDĐT sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH). Từ đây, các trường CĐ không còn nằm trong hệ thống tuyển sinh chung, trừ các trường CĐ sư phạm, khiến việc tuyển sinh đã khó nay càng khó khăn hơn khi không nắm được thông tin, dữ liệu về thí sinh để tư vấn, hướng nghiệp.
Sớm tháo gỡ để thuận lợi cho người học
Quan điểm tích hợp, liên thông dữ liệu để xét tuyển ĐH, CĐ hiệu quả hơn được nhiều chuyên gia đồng tình. Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT phân tích dữ liệu thí sinh không đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ mầm non các năm gần đây cho thấy, chúng ta đang thiếu thông tin về việc những em này sẽ đi đâu, về đâu. Cụ thể, năm 2022 trên cơ sở dữ liệu của 315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển vào ĐH nhưng sau đó đã không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên hệ thống. Một trong nhiều lý do được đưa ra đó là vì năm 2022, thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thống kê cho thấy, điểm các tổ hợp của các thí sinh không đăng ký xét tuyển đều hầu hết ở mức thấp hơn mức điểm trung vị và điểm trung bình của phổ điểm thi tốt nghiệp THPT nên dù thực hiện đăng ký xét tuyển vào ĐH cũng khó trúng tuyển nên các em đã chủ động không đăng ký.
“Nếu trên hệ thống này có thêm một phần nữa là đăng ký xét tuyển vào CĐ, trung cấp thì sẽ có thêm dữ liệu trả lời câu hỏi này. Người học tự ước lượng điểm thi, kết quả học bạ đã có với khả năng cạnh tranh xét tuyển vào trường ĐH, CĐ mong muốn vào học ĐH, CĐ của bản thân… để chọn ngành, chọn trường phù hợp cũng là một phương án phân luồng, giúp gia tăng tỷ lệ lao động được đào tạo tại Việt Nam” - ông Nhĩ nói.
Trước đó, trả lời báo chí, đại diện Bộ LĐTB&XH cũng cho biết do đặc thù về đối tượng người học ở các trình độ của GDNN, việc sử dụng dữ liệu của học sinh THCS và THPT để tuyển sinh, phân luồng người học và hệ thống GDNN là rất cần thiết. Về việc này, ngày 4/7/2017, Tổng cục Dạy nghề (nay là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) đã có công văn số 1646 gửi Bộ GDĐT về việc chia sẻ dữ liệu tuyển sinh và giảng dạy văn hóa THPT trong các trường trung cấp, CĐ, tuy nhiên cho đến nay việc chia sẻ dữ liệu tuyển sinh nêu trên vẫn chưa được thực hiện.
Thực tế những năm gần đây ghi nhận không ít những thí sinh chủ động chọn học nghề dù các em là học sinh giỏi, có điểm thi tốt nghiệp THPT hay điểm học bạ “dư sức” trúng tuyển ĐH. Dẫu vậy, như chia sẻ của Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh Nguyễn Đức Lưu, mặc dù qua từng năm, tâm lý của người dân về việc học nghề đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên đa số vẫn thích đi học ĐH hơn.
“Vẫn còn rất nhiều học sinh, gia đình nghĩ rằng học kém mới đi học nghề, còn học giỏi thì học ĐH. Chúng tôi luôn cố gắng truyền thông lại, rằng học nghề là một hướng đi chủ động bên cạnh chọn học ĐH, không phải cứ học kém mới đi học nghề, quan trọng là học nghề cũng cần phải có năng khiếu” - ông Lưu nói và cho rằng việc được tham gia vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GDĐT chính là tạo thêm cơ hội để người học chủ động chọn học nghề.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai từ lớp 10 theo hướng phân hóa và định hướng nghề nghiệp cho học sinh được kỳ vọng sẽ giúp các em lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh; tạo điều kiện cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập. Thông qua việc lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10, cha mẹ học sinh quan tâm hơn đến việc học và định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho con em ngay từ khi còn học THCS.
Tại nhiều địa phương, chủ trương phân luồng rất rõ với khoảng 60% học sinh vào các trường THPT công lập còn lại là các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp... Trong đó, việc chọn học nghề dù được khuyến khích và có nhiều ưu đãi, thậm chí miễn học phí nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Vì vậy, để thí sinh và trường nghề “gặp” nhau vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc sớm chia sẻ cơ sở dữ liệu để trường nghề chủ động tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cùng với các trường phổ thông.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị Tuyển sinh năm 2023, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cũng khẳng định quan điểm của Bộ GDĐT, đó là cần tạo công bằng cho thí sinh, công bằng ngay từ khi tiếp cận thông tin. Khi thông tin tuyên truyền sâu rộng, sẽ là giải pháp với chi phí thấp nhất, giảm thiểu sai sót.
Theo đó, từ mùa tuyển sinh 2023, toàn bộ quy trình tuyển sinh, từ xác định chỉ tiêu cho đến đăng ký nhập học ĐH, CĐ sư phạm sẽ được liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành HEMIS. Thí sinh sẽ đăng ký tất cả nguyện vọng trong cùng một hệ thống và sắp xếp trúng tuyển nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên cao nhất, tạo điều kiện cho thí sinh có cơ hội lựa chọn trường, ngành học theo mong muốn của mình.
Tuy nhiên, với những thí sinh có nguyện vọng học CĐ nghề, các em vẫn phải xét tuyển, đăng ký riêng. Hiện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã xây dựng ứng dụng dành cho các trường dạy nghề của Bộ LĐTB&XH để nhà trường đăng tải cụ thể các thông tin tuyển sinh, mã ngành, nghề để phụ huynh, học sinh quan tâm, tham khảo. Tuy nhiên, đây là một kênh truyền thông với mục đích tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh ai có nhu cầu cho con em học thì đăng ký, liên hệ với trường, còn khi học sinh chưa biết, chưa “mặn mà” với học nghề thì các trường vẫn phải loay hoay tìm cách tiếp cận, vận động, tư vấn và thu hút người học.
Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH Vũ Trọng Bình nhận định, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp vấn đề nằm ở quá trình đào tạo, phân luồng từ học sinh THCS. Ở nhiều nước, số lượng học sinh trường nghề luôn áp đảo, tuy nhiên ở Việt Nam tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông vào ĐH lại áp đảo. Từ việc này tạo ra áp lực cạnh tranh với học sinh trường nghề, dẫn tới đầu vào của các trường nghề gặp khó khăn.
Trong khi đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiếu dữ liệu của học sinh THCS, THPT để làm căn cứ, thông tin xây dựng chiến lược tuyển sinh phù hợp. Vì không được vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GDĐT nên các trường CĐ phải tiếp cận với các học sinh qua các kênh khác đồng thời phải cập nhật dữ liệu của học sinh lại từ đầu nên sẽ vất vả và tốn nhiều nguồn lực hơn.
(còn nữa)