Lao động thất nghiệp ngại học nghề

Lê Bảo 29/03/2023 07:03

Cùng với việc nhận tiền trợ cấp, số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn được tư vấn, định hướng việc làm. Tuy nhiên, do không có chính sách phúc lợi đi kèm nên đa phần người lao động khi thất nghiệp không chọn giải pháp đào tạo nghề mà chọn hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động.

Về việc hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động (NLĐ), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn về điều kiện hưởng quá chặt chẽ. Do đó, người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này. Thậm chí đến nay chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ theo chế độ này.

Từ năm 2015 đến nay, số người có quyết định hỗ trợ học nghề là gần 30.400 người/năm (chiếm 4% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi năm). Nguyên nhân là do chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho NLĐ tham gia đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, nội dung hỗ trợ là học phí học nghề, chưa có các nội dung hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (chi phí ăn ở, sinh hoạt phí, đi lại…), chưa thu hút sự quan tâm cũng như hỗ trợ người thất nghiệp học nghề.

Thực tế, phần lớn NLĐ khi bị mất việc làm sẽ nhận một khoản trợ cấp thất nghiệp và tìm kiếm một công việc khác, số doanh nghiệp có chế độ đào tạo nghề cho NLĐ rất ít.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội cho rằng, tâm lý chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp khi mất việc làm cần thay đổi, cần quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo để nâng cao kỹ năng nghề. Tuy nhiên, để chính sách đào tạo, hỗ trợ duy trì việc làm cho NLĐ phát huy hiệu quả, việc đào tạo cần dựa trên nhu cầu của NLĐ, kết hợp với các cơ sở đào tạo, đào tạo chuyển đổi, cũng như tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chặt chẽ hơn.

Cũng theo bà Hương, những lao động mất việc chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới với mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn hạn chế. Chính sách của bảo hiểm thất nghiệp cũng mới chỉ hỗ trợ chi phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác khiến NLĐ càng không mặn mà.

Còn theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thì phần đông NLĐ thất nghiệp mong muốn được tư vấn giới thiệu việc làm để quay lại thị trường lao động luôn, không muốn phải học nghề vì mất thời gian.

“Mặt khác, chương trình dạy thường ngắn hạn, chỉ 3 tháng, là chưa phù hợp với nhiều lao động trẻ, mong muốn quyết tâm học các nghề đòi hỏi trình độ, kỹ năng cao để chuyển đổi công việc cụ thể" - ông Thành cho biết.

Xuất phát từ thực tế, nhằm thu hút NLĐ học nghề cũng như sự tham gia của doanh nghiệp vào công tác đào tạo nghề cho NLĐ, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được Bộ LĐTBXH xây dựng đã đề xuất bổ sung các chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, cũng dự kiến sửa đổi quy định về điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ, đảm bảo tính khả thi trong thực tế. Cùng đó là tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng NLĐ chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp. Bổ sung quy định những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hình thức cung ứng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm; bổ sung quy định phạm vi và nội dung hỗ trợ (đi lại, ăn ở…) ngoài mức học phí…

Lê Bảo