Kinh doanh ế ẩm, tiểu thương khó khăn
Từng là các trung tâm thương mại sầm uất tại TP Hồ Chí Minh, thế nhưng vào thời điểm này lại vắng khách mua sắm, rơi vào tình trạng ế ẩm và phải hoạt động cầm chừng.
Tại Trung tâm thương mại - dịch vụ An Đông Plaza (quận 5, TPHCM) nhiều sạp hàng đóng cửa im lìm.
Chị N.P (37 tuổi) cho biết, tình hình khó khăn của các tiểu thương An Đông Plaza đã bắt đầu từ đợt dịch Covid-19 lần đầu tiên do người dân hạn chế ra đường để phòng chống dịch. Sau dịch bệnh thì giá thuê sạp tại chợ lại tăng nên tiểu thương đứng trước hai khó khăn lớn, là hàng tồn kho chưa bán được cộng thêm khoản chi phí phát sinh từ giá thuê kể trên, dẫn đến khó khăn để duy trì hoạt động kinh doanh.
Anh Nguyễn Đăng Ninh (SN 1986, ngụ TP Thủ Đức) là một đối tác kinh doanh của tiểu thương tại An Đông Plaza cũng chịu cảnh “bị treo” đơn hàng do tiểu thương kinh doanh khó khăn, chưa có kế hoạch nhận thêm đơn hàng mới.
Liên quan đến phản ánh của tiểu thương về giá thuê sạp còn cao, bà Trần Thị Thanh Thúy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông cho biết, do thay đổi quy định về hợp đồng nên công ty phải chuyển hợp đồng cho thuê từ 5 năm (trước đây) sang 1 năm như hiện nay. Công ty đã đồng ý giảm giá nhiều nhưng tiểu thương vẫn tiếp tục đề nghị giảm tiếp giá thuê như thời điểm dịch bệnh.
Trong khi đó đại diện Phòng Kinh tế quận 5 cho biết cũng đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan để tuyên truyền, vận động tiểu thương cùng Ban quản lý An Đông Plaza và chủ đầu tư ngồi lại đối thoại, tháo gỡ về giá thuê mặt bằng kinh doanh để có hướng giải quyết phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên để tiểu thương có thể tiếp tục kinh doanh.
Cũng không khá hơn An Đông Plaza, tòa nhà văn phòng thương mại Bitexco (quận 1) từng là địa điểm vui chơi, mua sắm hiện đại bậc nhất của TPHCM nhưng cũng rơi vào tình trạng vắng khách, kinh doanh ế ẩm. Nhiều cửa hàng ăn uống, thời trang thì nay cửa đóng then cài. Ban quản lý tòa nhà cho biết, một số cửa hàng tại các tầng trong trung tâm thương mại và dịch vụ đã tạm đóng cửa.
Không chỉ các trung tâm thương mại lớn, nhiều chợ truyền thống có tiếng của TPHCM như chợ Tân Định (quận 1), chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), chợ Tân Hưng, chợ Bàu Cát (quận Tân Bình), các chợ Bình Tây, An Đông 1 (quận 5), An Đông 2 (quận 6)…đều rơi vào tình trạng kinh doanh ế ẩm, khách mua thưa thớt, tiểu thương gặp khó khăn.
Liên quan đến tình trạng hàng loạt tiểu thương Trung tâm thương mại - dịch vụ An Đông Plaza đóng sạp, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng phòng Kinh tế quận 5 cho biết, đã và đang phối hợp tuyên truyền, vận động tiểu thương và Ban Quản lý của An Đông Plaza cùng ngồi lại để đối thoại, giải quyết để các bên thống nhất, đồng thuận tìm ra giá cho thuê phù hợp. Ở một số trung tâm thương mại lớn khác như NowZone, Diamond Plaza (quận 1), Vạn Hạnh Mall (quận 10), Crescent Mall (quận 7)… cũng có nhiều giải pháp khác nhau để kéo người tiêu dùng trở lại với mua sắm truyền thống. Một số thương hiệu, nhà bán lẻ cũng cam kết sẽ thực hiện nhiều chính sách khuyến mãi và giảm giá thành để tạo được sự cạnh tranh so với xu hướng thương mại điện tử và kinh doanh online đang phát triển mạnh hiện nay.
Từ góc nhìn chuyên gia, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM cho rằng, dù bối cảnh khó khăn chung, thói quen tiêu dùng của cá nhân, tổ chức đã thay đổi ít nhiều nhưng không phải là không có giải pháp để tháo gỡ cho tình trạng kinh doanh ế ẩm tại các trung tâm thương mại của TPHCM.
Bà Sâm cho rằng, dù các tiểu thương thế hệ GenZ hay nói chung là thế hệ trẻ có xu hướng về thương mại điện tử và kinh doanh trên môi trường internet, ứng dụng mạng xã hội nhưng đối với các doanh nghiệp lớn/tiểu thương lớn vẫn cần đến các chuỗi kinh doanh hoặc chi nhánh, kho hàng/địa điểm thực tế để hoạt động phân phối sản phẩm.
TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM cho rằng, giữa kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử tồn tại song song chứ không loại trừ nhau. Trước thực tế khó khăn hiện nay, ban quản lý, chủ đầu tư các chợ truyền thống cũng cần phải thay đổi cách thức tiếp cận đối với giá thuê mặt bằng và các hỗ trợ, chính sách phù hợp để đạt được đồng thuận, chia sẻ lợi ích, cùng phát triển.