Thời hạn sở hữu nhà chung cư: Nhiều nước đã quy định, có nước sở hữu tới 99 năm…
Nhiều nước Singapore, Thái Lan, Trung Quốc quy định rất rõ thời hạn sở hữu nhà chung cư, có nước quy định thời hạn lên tới 99 năm. Nhưng tại Việt Nam, vẫn đang lúng túng về vấn đề này.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) Chính phủ đưa ra một phương án duy nhất là sở hữu nhà chung cư cần có thời hạn. Tuy nhiên, đề xuất này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội bác đề xuất và đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, chung cư là công trình đặc thù, có nhiều người sử dụng, khi xuống cấp, hư hỏng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến an toàn tài sản, tính mạng của cư dân. Từ thực tế như vậy, trên cơ sở kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế, Bộ Xây dựng mới đưa ra đề xuất quy định như tờ trình dự thảo luật.
Qua ý kiến của Ủy ban thẩm tra và qua các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiêm túc rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định rõ hơn để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời cũng đảm bảo được mục tiêu cải tạo chung cư cũ, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân…
Trong khi đó, Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn sẽ làm người dân lo lắng bởi đây là tài sản lớn. Thời hạn sử dụng công trình khác với thời hạn sử dụng đất. Nên khi chung cư hết thời hạn sử dụng, người dân vẫn còn quyền sử dụng đất.
"Bộ Xây dựng xem xét không nên tiếp tục đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) tới đây, bởi nó không hợp tình cũng không hợp lý và để bảo vệ quyền và lợi chính đáng cho người dân", ông Lê Hoàng Châu nói.
Tuy nhiên, nếu nhìn ra các nước xung quan khu vực thì nhiều nước lại quy định sở hữu chung cư có thời hạn. Cụ thể, tại tại Singapore, nhà được chia làm 2 loại nhà ở bình dân và nhà ở tư nhân. Nhà ở tư nhân là các loại nhà phố, biệt thự và các căn hộ cao cấp. Nhà ở bình dân do Cơ quan phát triển nhà ở (HDB) xây dựng. Đây là những căn hộ chung cư có chất lượng, với giá phải chăng để cung cấp cho người dân.
Hiện khoảng 85% người dân Singapore sống trong các căn hộ do HDB xây dựng, trong đó 94% người dân sở hữu những căn hộ này, khoảng 6% còn lại là đi thuê. Trong giai đoạn đầu phát triển loại hình nhà này, chính phủ Singapore quy định quyền sở hữu các căn hộ chỉ từ 30 - 50 năm. Nhưng đến nay, nhà nước kéo dài thời hạn này lên 99 năm. Luật pháp Singapore quy định, người mua nhà có thời hạn hoàn toàn có quyền dùng nó làm tài sản thế chấp.
Tại quốc gia đông dân nhất hành tinh, Trung Quốc không cấp giấy tờ sở hữu vĩnh viễn cho đất đai hay căn hộ. Thay vào đó, tùy mục đích sử dụng, nhà nước khống chế bằng quy định mục đích và thời gian sử dụng đất (quy định là từ 40 - 70 năm). Tuy nhiên hết thời hạn này, người dân sống trong các chung cư có thể xin gia hạn hoặc xin xây dựng mới lại tòa nhà chung cư. Ngoài ra các cư dân cũng có thể bán khu đất cho một doanh nghiệp khác để xây dựng lại chung cư theo quy hoạch.
Tại nước láng giềng Thái Lan, người dân có quyền lựa chọn một trong hai hình thức sở hữu căn hộ theo luật là sở hữu vĩnh viễn hoặc sở hữu có thời hạn. Theo đó, hình thức sở hữu có thời hạn sẽ áp dụng tối đa là 30 năm, nhưng khi hết thời hạn người dân sẽ có quyền xin gia hạn. Chính vì thế, giá cả mua căn hộ chung cư trong cùng một tòa nhà sẽ khác nhau. Theo đó, giá căn hộ mua có thời hạn chỉ bằng khoảng 30 - 70% giá nhà mua vĩnh viễn.