Nở rộ dịch vụ đọc trộm tin nhắn: Hành vi vi phạm pháp luật cần ngăn chặn
Hành vi của các đối tượng cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên nền tảng mạng xã hội vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và có dấu hiệu của lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, những người thuê dịch vụ này cũng không tránh khỏi việc bị truy cứu trách nhiệm...
Người thuê và người thực hiện đều vi phạm pháp luật
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền bất khả xâm phạm, cụ thể: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Bộ luật Dân sự cũng khẳng định rằng: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Tuy nhiên trong vài tháng gần đây, xuất hiện khá nhiều các bài đăng quảng cáo trên mạng xã hội có nội dung cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn như Facebook, Zalo, Intagram,... với lời cam kết an toàn, bảo mật cao. Các đối tượng thường tiếp cận những người nhẹ dạ cả tin, tác động vào tâm lý tò mò cuộc sống riêng tư của người khác, thậm chí là lợi dụng tâm lý nghi ngờ chồng hoặc vợ mình có mối quan hệ bất chính bên ngoài nên đã bỏ tiền ra sử dụng những dịch vụ này.
Các đối tượng thường làm dịch vụ bằng cách gửi link "độc" cho người bị xâm phạm để khi người đó click vào link là toàn bộ thông tin về tài khoản, tin nhắn mạng xã hội bị đánh cắp. Một số đối tượng còn yêu cầu người thuê dịch vụ phải chuyển tiền đặt cọc trước rồi mới làm dịch vụ nhưng sau khi nhận được tiền đã bỏ trốn và chặn mọi liên lạc, thông tin. Đến lúc này, mới nhận ra hành vi lừa đảo thì tiền đã mất và không đòi lại được nữa.
“Hành vi của các đối tượng cung cấp dịch vụ nêu trên rõ ràng đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và có dấu hiệu của lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Luật sư Hùng khẳng định.
Theo đó, các đối tượng này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP với hành vi Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy mức độ, hậu quả xảy ra.
Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, các đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác với mức phạt tù lên đến 3 năm.
Ngoài ra, nếu có những hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, các đối tượng này còn có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Luật sư cũng nhấn mạnh, đối với người thuê dịch vụ cũng không tránh khỏi việc bị truy cứu trách nhiệm khi sự việc này xảy ra. Theo đó, người thuê dịch vụ đọc trộm tin nhắn có thể bị phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP nêu trên hoặc bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP nếu có hành vi đọc trộm tin nhắn hoặc có hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Những người thuê dịch vụ này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng tội danh xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác nêu trên.
Vì vậy, đối với bất kỳ ai tuyệt đối không được có những hành vi thu lợi hoặc vì bất kỳ lý do nào mà bất chấp vi phạm các quy định, coi thường sự nghiêm minh của luật pháp, xâm phạm đến quyền của người khác được pháp luật bảo hộ. Nếu phát hiện cá nhân nào có những hành vi vi phạm các dấu hiệu này, người dân cần trình báo ngay đến cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn những vi phạm có thể xảy ra.
Rủi ro khi giao dịch
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Hệ thống Luật sư X, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
Như vậy, hành vi đọc trộm tin nhắn nói riêng cũng như đọc trộm các dạng thư từ, thông tin khác như email, gmail,… của người khác là một trong những hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư và vi phạm pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc, việc cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn hay sử dụng dịch vụ này đều vi phạm pháp luật.
Cũng theo Luật sư Nghĩa, gần như tất cả các dịch vụ hỗ trợ đọc trộm tin nhắn mạng xã hội đều nhắm đến việc lừa tiền cọc của người dùng. Đa số, các đối tượng lừa đảo đều yêu cầu người mua chuyển tiền trước rồi cấp tài khoản phần mềm để đọc trộm tin nhắn sau.
Sau khi nhận tiền, những đối tượng cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn này có thể chặn số điện thoại của khách hàng để bị hại không thể đòi hoàn tiền. Khi đã mất tiền cọc, người dùng cũng khó có thể truy xuất được nguồn gốc tài khoản đó bởi mọi giao dịch, trao đổi đều diễn ra trên môi trường mạng, các đối tượng lừa đảo này đều sử dụng thủ đoạn rất tinh vi, chuẩn bị rất kỹ càng để đưa con mồi vào bẫy.
Thêm nữa, hành vi đọc trộm tin nhắn xâm phạm quyền riêng tư của người khác, vì thế người dùng dịch vụ đọc trộm dù bị lừa, nhưng cũng khó lên tiếng nhờ sự can thiệp từ các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, không khó để tìm những lời quảng cáo dịch vụ đọc trộm tin nhắn, chỉ cần gõ từ khóa “dịch vụ đọc trộm tin nhắn” trên các công cụ tìm kiếm, sẽ ra rất nhiều website chào bán loại dịch vụ này. Khi truy cập trang web http://tadn..., sẽ thấy hiện ra cách hướng dẫn tải (download) một phần mềm được giới thiệu là “chuyên dùng để đọc trộm tin nhắn” để cài vào điện thoại thông minh hoặc máy tính.
Tuy nhiên, khi tải phần mềm xong, cần phải “mua” mật khẩu với giá 2 triệu đồng mới có thể cài đặt. Đây cũng chính là một trong những rủi ro dành cho những ai có nhu cầu sử dụng dịch vụ đọc trộm tin nhắn.
Luật sư đánh giá, những đối tượng cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn là một loại tội phạm khá mới, các đối tượng đã lợi dụng tâm lý một số người dân muốn theo dõi bí mật, giám sát đời tư của người thân, bạn bè, khách hàng và sẵn sàng bỏ tiền để đạt mục đích. Việc cài đặt các phần mềm theo dõi, giám sát đời tư của người khác là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. Về phía người dân, không nên chia sẻ, cung cấp mật khẩu cho người khác. Nếu nhận thấy có dấu hiệu thiết bị của mình bị giám sát hay nghe trộm thì nhanh chóng báo cáo cơ quan chức năng.