Vaccine thời kỳ hậu Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã bước vào giai đoạn cuối ở hầu hết các quốc gia. Khuyến nghị tiêm vaccine từ đó cũng được Tổ chức Y tế thế giới điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới, tránh lãng phí nguồn lực vaccine.
Thay đổi để thích ứng
Ngày 28/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã điều chỉnh các khuyến nghị tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho giai đoạn mới của đại dịch. Theo đó, trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh được khuyến nghị không nhất thiết phải tiêm nhưng các nhóm lớn tuổi hơn, có nguy cơ cao nên tiêm nhắc lại từ 6 đến 12 tháng sau lần tiêm vaccine gần nhất.
WHO cho biết, mục đích của khuyến nghị mới là tập trung nỗ lực vào việc tiêm chủng cho những người đang đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong do Covid-19, xem xét khả năng miễn dịch toàn dân ở mức độ cao trên toàn thế giới.
WHO cũng xác định, nhóm dân số có nguy cơ cao là nhóm người lớn tuổi, cũng như những người trẻ tuổi có các yếu tố rủi ro khác.
Trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh là nhóm "ưu tiên thấp" trong việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 và kêu gọi các quốc gia xem xét các yếu tố như gánh nặng bệnh tật trước khi khuyến nghị tiêm vaccine cho nhóm đối tượng này. Theo WHO, vaccine ngừa Covid-19 và thuốc tăng cường an toàn cho mọi lứa tuổi, nhưng các khuyến nghị đã tính đến các yếu tố khác như hiệu quả chi phí.
Các khuyến nghị được đưa ra khi các quốc gia thực hiện những cách tiếp cận khác nhau đối với dịch bệnh. Một số quốc gia có thu nhập cao như Anh và Canada đã cung cấp liều tăng cường vaccine ngừa Covid-19 cho những người có nguy cơ cao vào mùa xuân này, 6 tháng sau liều cuối cùng của họ.
Bà Hanna Nohynek - Chủ tịch Nhóm chuyên gia chiến lược về tiêm chủng của WHO - cho biết: Lộ trình sửa đổi nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho những người vẫn có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng.
WHO cũng kêu gọi nỗ lực khẩn cấp để bắt kịp chu kỳ tiêm chủng định kỳ trong đại dịch và cảnh báo về sự gia tăng các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine như bệnh sởi. Đối với Covid-19, các loại vaccine sau 2 mũi ban đầu và 1 mũi tiêm nhắc lại không còn được khuyến nghị thường xuyên cho những người có nguy cơ.
Khuyến nghị của WHO được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 tại một số quốc gia châu Á đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Hàn Quốc đã ghi nhận ngày thứ 8 liên tiếp có số ca mắc mới Covid-19 tăng lên hơn 12.000 người trong ngày 28/3. Nước này vừa nới lỏng hầu hết các biện pháp hạn chế phòng Covid-19 để trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch. Trong khi đó, tại Ấn Độ, số ca mắc mới Covid-19 cao nhất trong 5 tháng qua cũng được ghi nhận với 1.590 ca.
Vaccine vẫn quan trọng
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thế giới đã chật vật vượt qua giai đoạn thiếu vaccine ngừa Covid-19 và phải học cách chung sống bình thường với dịch bệnh. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, các chiến dịch tiêm phòng Covid-19 đã được triển khai trên toàn thế giới. Đến nay, đã có hơn 13,32 tỷ mũi vaccine đã được tiêm (tương đương gần 5,56 tỷ người).
Hơn thế, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hy vọng, các chiến dịch tiêm phòng Covid-19 sẽ được triển khai thường niên, giống như tiêm phòng cúm. Người đứng đầu đơn vị phụ trách chiến lược vaccine và các nguy cơ sức khỏe của EMA, ông Marco Cavaleri, cho biết, dù hiện nay virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 chưa thực sự được coi là virus gây bệnh theo mùa nhưng đây có thể là xu hướng dịch bệnh trong tương lai.
Dẫn các số liệu của Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), ông Cavaleri cho biết, số ca mắc mới, nhập viện và tử vong vì Covid-19 ở Liên minh châu Âu (EU) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 12 tháng qua. Tuy nhiên, virus vẫn lây lan và cần phải có cách tiếp cận có chiến lược để duy trì lượng vaccine đủ để cung cấp mức độ bảo vệ ở quy mô cần thiết trước nguy cơ xuất hiện các biến thể mới.
Mới đây, Trung Quốc đã phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA đầu tiên do nước này tự phát triển. Vaccine công nghệ mRNA được đánh giá là một trong những loại vaccine hiệu quả nhất trong việc giảm số ca mắc và số ca tử vong vì Covid-19.
Nhu cầu về vaccine Covid-19 đã giảm mạnh trong năm nay do lượng tồn kho trên khắp thế giới tăng lên và khả năng miễn dịch của người dân cũng gia tăng do tỷ lệ tiêm chủng cao và nhiều người có miễn dịch sau khi mắc bệnh trước đó.
Tuy nhiên, theo Liên minh vaccine của nhân dân (PVA), ngay cả khi đại dịch đã đến hồi kết thúc thì nhiều nước đang phát triển vẫn chưa thể tiếp cận các phương pháp điều trị hoặc xét nghiệm thích hợp và nhiều người tại các nước có thu nhập thấp vẫn phải chịu gánh nặng do tác động của Covid-19.
Do đó, PVA kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động, trong đó có việc ủng hộ một hiệp định của WHO về ứng phó đại dịch, đầu tư đổi mới sáng tạo khoa học và năng lực sản xuất, cũng như hàng hóa chung toàn cầu, xóa bỏ rào cản sở hữu trí tuệ, lên kế hoạch ứng phó công bằng đối với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tiếp theo, cũng như ngăn chặn tái diễn những thảm kịch như đối với đại dịch Covid-19.
Cách đây 3 năm WHO chính thức tuyên bố Covid-19, căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, là đại dịch toàn cầu. Sau 3 năm, những tín hiệu tích cực cho cuộc sống bình thường mới đã xuất hiện nhờ những nỗ lực kiểm soát đại dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới và hiệu quả của các loại vaccine. Và thực tế đã cho thấy tiêm vaccine vẫn luôn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh của nhiều quốc gia.