Đẩy mạnh liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng

M.Phương 31/03/2023 07:48

Tính liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng chưa chặt chẽ, không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một số địa phương.

Đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển.

Đó là những đánh giá được đưa ra tại hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - Tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp” do Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức ngày 30/3.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước; là vùng động lực phát triển hàng đầu của cả nước. Kinh tế vùng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2022 đạt 8,93%/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước; quy mô kinh tế tăng trưởng nhanh, năm 2022 đạt 2,89 triệu tỷ đồng, chiếm 30,4% tổng ngân sách quốc nội (GDP) của cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 123,4 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước; thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh.

Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế song theo ông Dũng, vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn chưa tận dụng hết thế mạnh để phát triển như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào khai thác quỹ đất; phát triển không đồng đều giữa các tiểu vùng và giữa các địa phương trong vùng; liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp...

Ông Dũng chỉ ra nguyên nhân, do nhận thức về liên kết vùng chưa đầy đủ, còn tư tưởng cục bộ chưa vì lợi ích chung; thiếu cơ chế và bộ máy thực hiện liên kết, điều phối vùng hiệu quả vì không có thể chế vùng và ngân sách riêng cấp vùng; chất lượng quy hoạch vùng và quy hoạch cấp địa phương còn thấp...

Cùng chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, tính liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn còn hạn chế. Các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do ngân sách từ Trung ương đầu tư. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn chưa rõ nét và chưa được đẩy mạnh, chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng; không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một số địa phương. Đặc biệt các vấn đề, nội dung liên quan đến liên kết ngoại vùng hầu như chưa có.

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), để phát triển thị trường trong nước, vùng Đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh liên kết vùng, hình thành hệ thống trung tâm logistics cơ bản hoàn chỉnh, có tính liên kết cao, ưu tiên xây dựng được 1 số trung tâm logistics lớn ở các vùng kinh tế trọng điểm làm động lực cho các chuỗi cung ứng của Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ…

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá, xây dựng thể chế liên vùng đủ mạnh, đảm bảo hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng đi vào thực chất. Trong số đó, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường nội vùng và liên vùng, phát triển các cụm liên kết ngành.

M.Phương