Sớm điều trị sa sút trí tuệ
Số liệu từ Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cho biết, số người mắc sa sút trí tuệ năm 2015 là 660.000 người. Tỷ lệ gánh nặng bệnh tật của bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ lên đến 52% trên tổng gánh nặng bệnh tật do bệnh thần kinh và tâm thần ở người cao tuổi tại Việt Nam.
Bệnh sa sút trí tuệ tạo áp lực lớn đến kinh tế cũng như chất lượng sống của người bệnh. Đáng nói hơn, mặc dù đây là căn bệnh khá phổ biến và được dự đoán sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới, thế nhưng, sa sút trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức.
PGS.TS Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ (Bệnh viện Lão khoa trung ương) nhận định: Hiện vẫn còn nhiều người Việt chủ quan với bệnh này. Khi có vấn đề trí nhớ, nhiều người nghĩ đó là quá trình lão hóa bình thường, là bệnh của tuổi già mà không nghĩ đến có thể đó là triệu chứng sa sút trí tuệ. Chính vì vậy, khi các triệu chứng về suy giảm trí nhớ tăng lên cùng với các rối loạn chức năng nhận thức khác, bệnh nhân mới được người nhà đưa đi khám. Điều này dẫn tới thực trạng nhiều bệnh nhân đến khám muộn, bệnh ở giai đoạn nặng. Biến chứng, ảnh hưởng của sa sút trí tuệ trong sinh hoạt rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể bỏng, ngã, gặp các chấn thương nguy hiểm.
Trao đổi về căn bệnh này, BS Lê Thị Phương Thảo - Phòng Điều trị bệnh tâm thần người già, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Sa sút trí tuệ được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu, người bệnh giảm sự tiếp thu thông tin, lặp đi lặp lại một câu hỏi hay một vấn đề, mất khả năng quản lý tài chính, không nhớ đồ cất ở đâu và dễ bị nhầm, lạc đường. Giai đoạn giữa, các triệu chứng rõ ràng hơn, người bệnh không nhớ sáng mình ăn gì, quên một số kỷ niệm trong quá khứ, không nhớ số điện thoại của mình, hay nhầm lẫn... Giai đoạn cuối, người bệnh không nhận thức được môi trường xung quanh, đi lang thang, không nhận ra bạn bè người thân, không nhớ lịch sử bản thân, mất kiểm soát bàng quang và ruột, thay đổi nhân cách và hành vi. Các triệu chứng càng ngày nặng lên, người bệnh cần sự hỗ trợ tất cả trong cuộc sống hàng ngày.
BS Thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của người thân và gia đình đối với người mắc sa sút trí tuệ: Với mỗi một giai đoạn bệnh, người thân và gia đình sẽ cần có một cách chăm sóc khác nhau.
Dễ nhận thấy, áp lực đối với gia đình người bệnh, đặc biệt là người trực tiếp chăm sóc là rất lớn. TS.BS Trần Thị Hà An - Trưởng phòng Điều trị người già, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, thực tế đã ghi nhận hậu quả khiến không ít người chăm sóc đã rơi vào trạng thái trầm cảm. Mặc dù vậy, BS An cũng thông tin: Không phải người già nào cũng sa sút trí tuệ, việc nhận ra những triệu chứng ban đầu của sa sút trí tuệ để có sự can thiệp, kiểm soát, điều trị kịp thời rất quan trọng, như: suy giảm trí nhớ ngắn hạn, khó thực hiện các nhiệm vụ quen thuộc, gặp vấn đề với ngôn ngữ hay suy giảm khả năng phán đoán, đặt nhầm vị trí của đồ đạc, gặp khó khăn trong theo dõi công việc hoặc cuộc trò chuyện.
Khi xuất hiện triệu chứng ban đầu, đó chính là giai đoạn vàng của việc can thiệp điều trị. Người bệnh khi được phát hiện, điều trị trong giai đoạn này sẽ có kết quả rất tích cực, ngược lại nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn Alzheimer thì hiệu quả rất thấp. Do vậy, để phòng ngừa gánh nặng do sa sút trí tuệ đem lại, người bệnh và gia đình người bệnh cần nhận thức và đánh giá sớm được dấu hiệu của bệnh.