Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng

Hải Dương 31/03/2023 15:47

Ngày 30/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 323/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hải Phòng được quy hoạch để phát triển, trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh

Theo Quy hoạch được duyệt, với tính chất đô thị loại 1 cấp quốc gia, là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, dự báo dân số của Hải Phòng đến năm 2030 là khoảng 2,8 - 3 triệu người. Đô thị Hải Phòng sẽ phát triển từ mô hình “Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh" thành mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh".

Cấu trúc không gian đô thị được quy hoạch là “Hai vành đai - Ba hành lang - Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh”. Trong đó, hai vành đai kinh tế gồm Vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ - du lịch - đô thị hướng ra biển và Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng Hải Phòng. Ba hành lang cảnh quan gồm hành lang sông Cấm, sông Lạch Tray và Văn Úc.

Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Ba trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh gồm Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Trung tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở Hải An và Dương Kinh; Đô thị sân bay Tiên Lãng. Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.

Ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ

Đến năm 2030, Hải Phòng sẽ có khoảng 13.000 ha đất phát triển công nghiệp, kho tàng đến 2040, diện tích này sẽ đạt khoảng 17.500 – 18.500 ha với trọng điểm KKT Đình Vũ – Cát Hải cùng các vành đai dịch vụ, công nghiệp như: Khu vực công nghiệp phía Bắc dọc đường vành đai 3, sông Bạch Đằng; Khu vực công nghiệp phía Tây dọc QL 10; Khu vực công nghiệp phía Tây Nam dọc QL 5 và Khu vực công nghiệp phía Đông Nam dọc sông Văn Úc, tuyến cao tốc ven biển. Các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo sẽ phát triển dịch vụ logistics và chức năng dịch vụ mới hỗ trợ khu vực công nghiệp.

Khu du lịch dịch vụ Đồ Sơn được quy hoạch phát triển thành trung tâm du lịch quốc tế. Khu vực Cát Bà, Long Châu, Bạch Long Vĩ hình thành du lịch kết hợp bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái để Vịnh Hạ Long – Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới…

Quy hoạch khu trung tâm thương mại, tài chính tầm cỡ quốc gia, quốc tế tại các quận Hải An, Dương Kinh, các khu trung tâm dịch vụ thương mại mới gắn với dịch vụ cảng hàng không (Cát Bi, Tiên Lãng); phát triển khu thương mại tự do trong KKT Đình Vũ – Cát Hải;…

Mạng lưới logistics khoảng 2.200 - 2.500 ha bao gồm các trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ – Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính…

Giao thông gắn với phát triển đô thị

Hệ thống giao thông của Hải Phòng bao gồm hệ thống cảng biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt được phát triển gắn với phát triển đô thị. Trong đó, từng bước di dời các bến cảng hiện hữu trên sông Cấm, Phà Rừng ra khỏi nội đô. Mở rộng cảng Nam Đồ Sơn, phát triển khu bến cảng biển Lạch Huyện thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Khu vực đảo Cái Tráp (huyện Cát Hải), cửa sông Văn Úc (huyện Tiên Lãng) phát triển cảng tổng hợp. Nghiên cứu hình thành tuyến đường chính đô thị nối cảng quốc tế với QL 18. Dự kiến phát triển cảng hàng không quốc tế tại Tiên Lãng phục vụ cấp vùng. Quy hoạch mới sân bay taxi tại Đồ Sơn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ phục vụ du lịch và cứu hộ. Quy hoạch các bến tàu khách du lịch kết hợp thương mại dịch vụ ven sông Cấm, Cát Hải, Đồ Sơn. Nâng cấp hệ thống cảng thủy nội địa trên hệ thống sông Đá Bạch, sông Cấm, Kinh Môn, Văn Úc, Lạch Tray…

Giao thông đô thị sẽ tiếp tục xây dựng cầu, đường Tân Vũ – Lạch Huyện 2; xây dựng cầu hoặc hầm đường bộ Tân Vũ – Lạch huyện 3. Quy hoạch đường cao tốc đô thị hướng Bắc - Nam; bổ sung các hình thức giao thông mới như cáp treo, xe điện, xe tự hành và các hình thức giao thông thông minh tại các khu du lịch, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí.

Phát triển đô thị gắn với phục hồi chất lượng môi trường

Theo quy hoach được phê duyệt, khu vực trung tâm đô thị lịch sử và khu vực mở rộng của đô thị lõi cần phục hồi chất lượng môi trường như hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải, kiểm soát giao thông hạn chế ô nhiễm tiếng ồn. Cải tạo hành lang xanh dọc các sông Cấm, Lạch Tray, Tam Bạc và các hồ trong đô thị. Di dời các cơ sở sản xuất, cảng công nghiệp ra khỏi nội đô gắn với tái thiết các khu nhà ở cũ, chung cư cũ xuống cấp theo hướng hiện đại, văn minh.

Khu vực phát triển công nghiệp, cụm cảng, logistics phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, tái sử dụng chất thải, tiết kiệm tài nguyên. Kiểm soát hoạt động phát triển du lịch tại khu vực bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Cát Bà – Bạch Long Vĩ để không được ảnh hưởng tới cảnh quan và chất lượng môi trường các khu vực này. Những khu vực này sử dụng giao thông sử dụng năng lượng thân thiện môi trường. Duy trì, phục hồi đa dạng sinh học, phát triển rừng tại Thủy Nguyên, Đồ Sơn; rừng phòng hộ ven biển, ven sông Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình gắn với khu bảo tồn đất ngập nước.

Quy hoạch vừa được phê duyệt nêu rõ, trong giai đoạn đầu ưu tiên các chương trình, dự án cải thiện chất lượng môi trường đô thị, nông thôn và công trình hạ tầng liên vùng như thực hiện di dời các trụ sở cơ quan hành chính, chính trị sang khu Trung tâm Hành chính – Chính trị tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường vào các KCN; cải tạo xây dựng lại chung cư cũ;... Cấu trúc lại không gian đô thị ven sông Cấm, sông Lạch Tray thành công viên cảnh quan đô thị, dịch vụ.

Hoàn thiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội huyện Thủy Nguyên thành đô thị loại 3. Khu đô thị phía Đông (huyện Cát Hải) được xây dựng gắn với xây dựng hạ tầng KKT Đình Vũ – Cát Hải, xây dựng đảo Cát Bà thành quần đảo du lịch, sinh thái. Khu đô thị mở rộng phía Tây (huyện An Dương) thành lập quận An Dương. Khu đô thị mở rộng phía Nam và Đông Nam (các quận Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến An và huyện Kiến Thụy) được đầu tư xây dựng thành khu đô thị hàng hải, trung tâm thương mại, tài chính và tiến tới thành lập quận Kiến Thụy.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hải Phòng tổ chức, rà soát, lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị; triển khai điều chỉnh và thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, các quy hoạch nông thôn phù hợp với quy hoạch được duyệt để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu trong cả nước trong sự nghiệp công nghiệp, hiện đại hóa; động lực phát triển vùng Bắc bộ và cả nước có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế. Đồng thời, từng bước đưa Hải Phòng là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm giáo dục, y tế, khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, xây dựng thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại.

Hải Dương