Cống ngăn mặn nghìn tỷ ở miền Tây: Cần 'soi' lại quy trình vận hành
Nhiều hộ nông dân ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho biết, từ khi đưa vào vận hành, cống Cái Lớn - Cái Bé đã giúp cho việc kiểm soát nguồn nước phục vụ sản xuất của người dân ở vùng này trở nên linh hoạt, kịp thời hơn. Không còn tình trạng thừa hay thiếu nước phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế thì mâu thuẫn về nhu cầu ngọt – mặn cũng đang được đặt ra...
Mâu thuẫn về nhu cầu ngọt - mặn
Từ mùa khô năm 2021-2022 đến nay, khu vực thượng nguồn cống Cái Lớn - Cái Bé không còn phải đắp đập tạm để kiểm soát mặn như những năm trước. Địa phương tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa không ảnh hưởng đến giao thông thủy do việc đắp đập tạm.
Tháng 1/2022, công trình được bàn giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam vận hành thử nghiệm. Mục tiêu của dự án này là kiểm soát được nguồn nước mặn, lợ và ngọt để tạo điều kiện sản xuất ổn định đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Kiên Giang, từ khi đưa vào vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé đến nay, các mô hình sản xuất độc canh trong vùng hưởng lợi của dự án đã phát huy hiệu quả. Hiện vùng nuôi tôm nước lợ ở các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và Gò Quao (Kiên Giang) là 67.370ha. Diện tích tôm càng xanh thả nuôi ghép trong các mô hình nuôi tôm nước lợ dự kiến đạt khoảng 36.500ha.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực đã mang lại thì siêu công trình cống Cái Lớn - Cái Bé vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh có 247.000ha nằm trong vùng dự án cống Cái Lớn - Cái Bé, chiếm khoảng 64% diện tích vùng hưởng lợi. Nhưng sau một năm vận hành thử nghiệm công trình, thời vụ sản xuất của các địa phương nằm trong vùng dự án hiện địa phương chưa ghi nhận những thay đổi đáng kể về cơ cấu cây trồng, vật nuôi kể từ sau khi công trình được đưa vào vận hành thử nghiệm. Đáng chú ý việc vận hành đã làm trầm trọng hơn tình hình ngập ở vùng hạ lưu dự án (khu vực từ cống ra cửa biển Tây).
Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Miền Nam đã làm việc với các địa phương và cũng đã nhận thấy còn một số mâu thuẫn về nhu cầu ngọt - mặn liên quan đến hai hệ thống là Cái Lớn - Cái Bé và khu vực tuyến quản Lộ - Phụng Hiệp thuộc các huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Hồng Dân (Bạc Liêu) và Gò Quao (Kiên Giang). Do nhu cầu nước vào mùa khô hàng năm giữa các địa phương không giống nhau, ví như ở các huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) và Gò Quao (Kiên Giang) cần mặn, ngược lại ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) lại cần ngọt. Đó là vấn đề cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc vận hành các công trình thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Nghiên cứu mở rộng vùng hưởng lợi
Để cống Cái Lớn - Cái Bé phát huy hiệu quả, Sở NN&PTNT Kiên Giang đã kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét đầu tư xây dựng 10 cống từ cống Xẻo Rô đến đê biển Tây, tức là phía hạ lưu sông Cái Lớn để kiểm soát mặn. Theo đề xuất, tổng mức đầu tư 10 cống nói trên là 900 tỷ đồng. Ngoài ra, kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cải tạo, nâng cấp công âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên tuyến đê biển Tây thuộc tỉnh Cà Mau, để hoàn chỉnh, khép kín toàn tuyến đê biển Tây Kiên Giang - Cà Mau.
Tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ triển khai nhân rộng 5 mô hình thí điểm đạt hiệu quả cao, như mô hình tôm - lúa ở huyện U Minh Thượng và huyện Gò Quao; mô hình cây ăn trái ở các huyện Giồng Riềng, Gò Quao và U Minh Thượng; mô hình khóm - cau - dừa ở huyện Châu Thành; mô hình khóm - tôm ở huyện Gò Quao và mô hình cánh đồng mẫu lớn ở các huyện Giồng Riềng, An Biên.
Mới đây, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam cũng đề xuất với Bộ NNP&TNT cũng như các địa phương trong vùng hưởng lợi từ dự án là đầu tư xây dựng khép kín các công trình trên tuyến đê biển Tây. Xem xét đầu tư các công trình kiểm soát mặn dọc theo hạ lưu cống Cái Lớn - Cái Bé; đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến bờ bao dọc theo hạ lưu cống Cái Lớn - Cái Bé; xem xét đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình phân ranh các tiểu vùng (mặn - lợ; lợ - ngọt luân phiên; ngọt) của các địa phương vùng dự án; công trình kiểm soát mặn và khép kín đê biển Tây tỉnh Cà Mau.
Đối với các địa phương, xây dựng kế hoạch sản xuất, khung lịch thời vụ (lúa, cây trồng cạn, nuôi trồng thủy sản...) phù hợp, linh hoạt theo tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, thủy văn, nguồn nước và có sự thống nhất của các địa phương.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đóng góp quan trọng vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp vùng bán đảo Cà Mau nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Để hệ thống thủy lợi phát huy được tác dụng, Bộ sẽ nghiên cứu mở rộng vùng hưởng lợi của dự án, hoàn thiện quy trình vận hành. Đồng thời xây dựng quy trình vận hành hệ thống thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng an toàn. Song song đó các giải pháp phi công trình, nâng cao năng lực vận hành, cải thiện sinh kế cho người dân cũng được quan tâm đồng bộ.
Còn theo Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT Lê Thanh Tùng, khi xây dựng một công trình phải tính đến giải pháp phi công trình, tức là phải tập trung cho việc thích ứng với sự thay đổi khi có công trình. Trước đây, khi chúng ta làm, cũng có những mô hình nhỏ nên chưa đánh giá được một cách đồng bộ hiệu quả, hiệu ứng của công trình sau khi hoàn thành. Riêng đối với lĩnh vực trồng trọt, khi ngăn mặn vào vùng sản xuất của cây trồng, vùng đó cũng không có nước, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Do đó, phải xem lại thời gian ngăn mặn để bố trí mùa vụ, thậm chí cây trồng như thế nào cho phù hợp.
Nói như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cống Cái Lớn - Cái Bé đã hoàn thành, nhưng trong vùng dự án là cả một hệ thống sản xuất đan xen nhau nên cần phải có sự tính toán, thống nhất.
Còn tại buổi đánh giá kết quả vận hành của Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đề nghị Cục Thủy lợi phối hợp các đơn vị tư vấn, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam, các địa phương tính toán lại quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Cụ thể, nghiên cứu từng vùng sản xuất, xem xét tính toán bổ sung số lượng vị trí các trạm khống chế vận hành kiểm soát mặn, để các địa phương chủ động trong chỉ đạo sản xuất; nghiên cứu phương án kiểm soát triều cường, bổ sung vào quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Dự án xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé được triển khai xây dựng tại huyện Châu Thành (Kiên Giang) do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư, tổng kinh phí xây dựng 3.300 tỷ đồng. Trong đó, cống Cái Lớn có tổng chiều rộng thông nước là 455m, gồm 11 khoang, mỗi khoang rộng 40m và khoang âu thuyền rộng 15m. Cống Cái Bé tổng chiều rộng thông nước 85m, gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 35m và 1 khoang âu thuyền rộng 15m.