Tìm giải pháp để thoát tái nghèo
Năm 2022, mặc dù chịu nhiều tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng ngân sách nhà nước vẫn ưu tiên bố trí khoảng 23.000 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung về hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm; về giáo dục và đào tạo; y tế; nhà ở. Tuy nhiên công cuộc xóa đói, giảm nghèo vẫn còn nhiều thách thức.
Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) nhìn nhận, công tác giảm nghèo còn tồn tại một số hạn chế ở các phương diện nguồn lực, hệ thống chính sách, việc tổ chức thực hiện tại địa phương, công tác đào tạo…Trong đó phải kể đến kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ thoát nghèo chủ yếu chuyển sang hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm không đồng đều trong các vùng của cả nước.
Đánh giá về công tác giảm nghèo hiện nay ông Phí Mạnh Thắng - Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo cũng cho rằng, một thách thức hiện nay trong công tác giảm nghèo là vẫn còn một bộ phận người nghèo chưa chủ động vươn lên mà còn tâm lý trồng chờ, ỷ lại. Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo; đại dịch Covid-19 xảy ra trong 2 năm vừa qua là một phép thử rõ nhất. Hơn nữa, dù hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện, nhưng vẫn còn một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả.
Giai đoạn 2021-2025, công tác giảm nghèo chuyển biến tích cực với việc áp dụng chuẩn nghèo cao hơn giai đoạn trước theo Nghị định số 07 ngày 27/1/2021 của Chính phủ.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo duy trì ở mức 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3,0%/năm; đến năm 2025 có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Theo ông Nguyễn Lê Bình - Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, năm 2023, đơn vị này sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phối hợp tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên năm 2023. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục nâng cao năng lực và kiểm tra, giám sát thực hiện giảm nghèo và huy động thêm nguồn lực cho công tác giảm nghèo, thông qua đó hướng tới mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước bình quân duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; tỷ lệ nghèo đa chiều của các huyện nghèo giảm khoảng 4%.
Nếu trước đây việc hỗ trợ cho người nghèo là riêng lẻ theo từng hộ gia đình, thì nay sẽ tập trung vào hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng; phát triển và nhân rộng các mô hình; dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp…
Để giảm nghèo bền vững, Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản...
Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo.
Theo Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan, dự kiến ngân sách trung ương bố trí thực hiện năm 2023 cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là hơn 11.402 tỷ đồng, chưa bao gồm 1.700 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện nội dung cải thiện dinh dưỡng và hỗ trợ nhà ở cho người nghèo.