Cảnh báo áp xe vành tai sau bấm khuyên
Những điểm bấm khuyên tai có thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên phạm vi cả nước, ngoài các cửa hàng vàng bạc, cắt tóc kiêm luôn việc bấm khuyên tai, còn xuất hiện nhiều điểm bấm khuyên “dạo” quanh các trường học và tràn lan trên mạng xã hội.
Đa phần những cơ sở này chưa được cấp phép, người thực hiện không đeo găng tay, dụng cụ không sát trùng, vô khuẩn. Càng nguy hiểm hơn khi trào lưu bấm khuyên ở sụn tai đã và đang phổ biến trong bộ phận học sinh, sinh viên và thực tế, không ít các trường hợp đã phải nhập viện điều trị vì nhiễm trùng, áp xe, thậm chí hoại tử vành tai, thậm chí, có bạn trẻ đã phải cắt bỏ và tạo hình lại vành tai vì bấm khuyên tai tại những cơ sở không đảm bảo.
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thời gian gần đây, cơ sở y tế này tiếp nhận các trường hợp áp xe vành tai sau bấm khuyên. Đơn cử, bệnh nhân N. L. P. (18 tuổi) sau khi bấm khuyên ở vành tai trái 2 ngày thì xuất hiện sốt, sưng nề, đau nhiều, chảy mủ vàng ở vị trí bấm khuyên tai. Mặc dù bệnh nhân đã được điều trị tại một cơ sở y tế 2 tuần nhưng các triệu chứng cải thiện không đáng kể, phải chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tiếp tục điều trị. Lúc này, bệnh đã nặng hơn rất nhiều, sụn vành tai đã bị tiêu một phần. Các bác sĩ phải tiến hành rạch mở rộng ổ áp xe để vệ sinh cắt lọc sụn viêm và chăm sóc hàng ngày. Sau điều trị, tình trạng viêm của bệnh nhân đã cải thiện hoàn toàn, nhưng vành tai bị biến dạng. Đây là một hậu quả rất nặng nề về thẩm mỹ cho người bệnh.
Còn tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh - Giám đốc Bệnh viện cũng thông tin: “Bệnh viện thường tiếp nhận những ca bệnh sau khi bấm lỗ ở sụn vành tai bị sưng đỏ, mưng mủ, sốt, tự mua chống viêm, giảm đau về uống, khi không đỡ mới vào viện. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng áp xe, nhiễm trùng vành tai do người bệnh bấm khuyên tại những nơi không đảm bảo vô khuẩn. Bệnh nhân thường ở độ tuổi từ 15-25, trong đó nhiều người tới viện muộn khi đã bị viêm sụn vành tai”.
Thực tế, ngoài dái tai, những vị trí khác của vành tai đều chứa sụn bên trong, nên việc bấm lỗ tai ở những vị trí này đều phải bấm qua lớp sụn vành tai. Điều này dẫn đến nguy cơ viêm sụn vành tai rất cao nếu dụng cụ không được đảm bảo vô trùng và không được thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín. Hơn nữa, nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường máu (viêm gan siêu vi B, HIV…) cũng có thể xảy ra khi dụng cụ bấm lỗ tai không được xử lý theo đúng quy định.
Đáng chú ý, thống kê từ các bệnh viện cho thấy, hầu hết các trường hợp nhập viện đều ở tình trạng muộn, bệnh đã tiến triển thành áp xe vành tai, phải rạch dẫn lưu mủ, thậm chí có khoảng 25% trường hợp sụn vành tai bị hoại tử do viêm, phải phẫu thuật để nạo vét sụn hoại tử. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ vành tai bị biến dạng, co rút lại khi khỏi bệnh, gây mất thẩm mỹ. Một số trường hợp phải phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ lại vành tai sau đó.
BS Hồ Chí Thanh - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Trong các vị trí bấm khuyên trên cơ thể thì viêm tấy hoặc áp xe ở vành tai chiếm tỷ lệ gặp biến chứng cao và nặng nhất. Nguyên nhân thường gặp do người bệnh bấm khuyên tai ở cơ sở không đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn hoặc không tuân thủ chăm sóc sau thủ thuật. Do vậy, nếu muốn bấm khuyên tai phải tìm hiểu thật kỹ về bấm khuyên tai hay các vị trí khác trên cơ thể và chỉ thực hiện ở những cơ sở y tế được cấp phép và đủ điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn. Người thực hiện phải là những bác sĩ có chứng chỉ chuyên môn, không nên giao tính mạng cho những cơ sở bấm lỗ tai chui, không có chuyên môn và dụng cụ không đảm bảo”.