Phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững
Ngày 31/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua hoạt động của ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ đã tích cực tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Đảng, Chính phủ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/2021. Hội nghị thành công trên nhiều phương diện, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Nhân dân, đội ngũ những người làm văn hóa phấn khởi, coi đây là động lực tiếp sức cho ngành văn hóa trong thời gian tới. Sau hơn một năm thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, nhờ quyết tâm vào cuộc, Bộ VHTTDL nhận thấy quá trình tổ chức thực hiện đã có sức lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực. Sau Hội nghị, 63/63 tỉnh, thành đều nghiêm túc triển khai và có kế hoạch, chương trình Nghị quyết để bổ sung thực hiện. Vì vậy, việc khắc phục, nâng cao nhận thức về văn hóa đã bước đầu có chiều sâu, đạt hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện ngành VHTTDL vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Trong đó, sự chuyển biến nhận thức về văn hóa chưa mạnh, chưa đều. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện, nhận thức của một số cấp ủy, cấp chính quyền về các nội dung này chưa thật sự sâu sắc và quán triệt, chưa đồng bộ.
Nhằm giúp ngành VHTTDL khơi thông điểm nghẽn, phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ VHTTDL để xuất Quốc hội tiếp tục rà soát công tác xây dựng luật, pháp lệnh về lĩnh vực này. Trong đó, có thêm các quy định theo hướng tăng cường ưu đãi để tăng cơ hội huy động các nguồn lực xã hội. Chẳng hạn, xem xét lại một số quy định về thuế, thu nhập doanh nghiệp để khuyến khích bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao, tăng cường nguồn lực xã hội hóa. Đặc biệt, đề nghị các cấp có thẩm quyền nhanh chóng hoàn thiện, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 và kết quả Hội thảo Văn hoá do Quốc hội tổ chức năm 2022 thì cần tiếp tục rà soát, có thể bổ sung thêm một số nhiệm vụ lập pháp ngoài Kế hoạch số 81. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực trước đây dự kiến xây dựng pháp lệnh nhưng trong tình hình hiện nay cần thiết phải điều chỉnh bằng luật hay lĩnh vực chưa có pháp luật điều chỉnh (như văn học) cũng cần được rà soát thật kỹ lưỡng.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hoá ngang tầm chính trị, kinh tế, bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII và các Nghị quyết, kết luận của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và kết luận của lãnh đạo Quốc hội tại Hội thảo Văn hóa năm 2022.
Về Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hội nghị sẽ có 3 phiên chuyên đề về Chuyển đổi số; Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững. Trong đó, phiên chuyên đề thứ 3 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững” liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung được phân công, chú ý đến tính kết nối giữa các chủ đề chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo và bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, con người trong phát triển bền vững. Đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng các hoạt động tổ chức tuần văn hóa Việt Nam.