Du lịch Hà Nội: Gia tăng sức hút

MINH DUY - HẰNG PHƯƠNG 02/04/2023 07:18

Sở Du lịch Hà Nội thông tin, trong tháng 3/2023, Hà Nội đã đón 2,09 triệu lượt khách, tăng 38,3% so với cùng kỳ 2022. Quý I/2023, du lịch Hà Nội thu hơn 20 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón 22 triệu lượt du khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế. Với vị thế trung tâm du lịch lớn, thành phố đang nỗ lực chủ động các phương án đón khách cũng như xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm thu hút du khách. Nhưng, du lịch Hà Nội cũng cần tăng tốc hơn và loại bỏ bớt “sạn” để trở thành một điểm đến thực sự hấp dẫn.

Du khách dừng chân bên Hồ Gươm. Ảnh: Quang Vinh.

Hàng hóa rẻ, đồ ăn ngon

Theo ghi nhận, thời điểm này chọn điểm đến Việt Nam với điểm dừng chân đầu tiên là Thủ đô có nhiều du khách đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Tây Ban Nha, Pháp… và đặc biệt là nhóm du khách Trung Quốc kể từ khi thị trường này nối lại du lịch theo đoàn tới Việt Nam (từ ngày 15/3).

Nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên trước giá hàng hóa và dịch vụ du lịch tại Hà Nội rẻ hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Lần đầu đến Hà Nội du lịch, chị Yumiko, 35 tuổi (du khách Nhật Bản) không khỏi bất ngờ khi nơi chị sinh sống có giá cả đắt đỏ khiến mọi chi tiêu phải dè dặt thì khi đến Hà Nội chị đã thỏa sức mua cho mình quần áo và đồ ăn, bởi với chị mọi thứ ở đây đều có giá thành rất rẻ. “Đây là lần đầu tiên tôi đến Hà Nội, nơi đây rất tuyệt vời, tôi thích đi chợ đêm, mọi thứ rất rẻ và đẹp. Tôi đã mua sắm rất nhiều thứ, giá cả dao động từ 100 - 150.000 đồng/món đồ. Rất dễ để chọn cho người thân quà tặng ở chợ đêm. Nếu có cơ hội tôi sẽ quay lại du lịch Hà Nội trong thời gian tới”, chị Yumiko nói.

Cũng giống như chị Yumiko, nhiều du khách nước ngoài đã lựa chọn điểm đến Việt Nam du lịch bởi những ưu điểm về giá cả và dịch vụ mà ít nơi nào có được. “Tôi đã đi du lịch ở nhiều nơi như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Sa Pa (Lào Cai) và Hà Nội. Đối với tôi Việt Nam là một quốc gia có giá cả ẩm thực rất rẻ. Tôi chỉ cần trả 2 euro ở đây cho một món ăn nhưng chất lượng rất tuyệt. Còn ở Tây Ban Nha tôi phải trả 20 euro cho một món ăn tương tự, các khách sạn có giá thành tốt so với số tiền bỏ ra, nhìn chung so với du lịch châu Âu thì du lịch Việt Nam giá thành tốt hơn rất nhiều. Tôi chắc chắn sẽ quay lại nơi này”, anh Adrian (32 tuổi), du khách Tây Ban Nha cho biết.

Còn với nhiều đoàn khách du lịch Trung Quốc chọn Hà Nội là điểm dừng chân đầu tiên khi tới Việt Nam sau khi Trung Quốc “mở cửa”, họ lần lượt thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Gươm, Nhà thờ Lớn… và thưởng thức bún chả trên phố Lê Văn Hưu, quận Hai Bà Trưng. Sau đó du khách thích thú được thử món hoa quả dầm, cốm Vòng trên phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm.

Ông Đặng Quế Lâm (68 tuổi), du khách Trung Quốc cho biết, rất cảm động trước sự đón tiếp nồng hậu của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên ông sang Việt Nam. Theo ông Lâm, các điểm đến tại Hà Nội đều thú vị, đặc biệt là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông cho hay còn nhiều điểm muốn được khám phá ở Hà Nội như: Thư viện hoặc các bảo tàng thành phố, nhưng đoàn không có đủ thời gian.

Một “làn sóng” khách Trung Quốc sẽ dừng chân tại Hà Nội trong những ngày tới đây khi ông Kong Xiang Hui - Tổng giám đốc Công ty du lịch Quốc Tân Phi Dương Hồng Hà thông tin: Hiện rất nhiều khách Trung Quốc muốn đến Việt Nam để du lịch. Điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc là vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Hà Nội cũng là điểm đến văn hóa của du khách nước này. Hiện công ty của ông Kong Xiang Hui đã nhận đăng ký của khoảng 1.000 đoàn khách đến Việt Nam.

Loại bỏ “sạn” du lịch

Cảm thấy Hà Nội thật thú vị nhưng không ít du khách quốc tế bày tỏ nỗi sợ khi phải qua đường. Họ mong thành phố cải thiện tình trạng xe cộ, đặc biệt là xe buýt không nhường đường cho người đi bộ. Anh Mac, du khách đến từ Australia chia sẻ: “Mỗi lần qua đường là lại lo lắng bởi tôi chỉ sợ các phương tiện giao thông đâm vào mình. Các bạn tôi cũng rất sợ giao thông ở Hà Nội”.

Dù du lịch Hà Nội đang nỗ lực gia tăng sức hút với du khách quốc tế, nhưng không chỉ tình trạng xe cộ lộn xộn, thời gian qua vẫn còn không ít những "hạt sạn" khiến du khách bất an. Hay như tình trạng "chặt chém" du khách hồi tháng 1, tài xế taxi đã chở gia đình 5 người khách Nhật Bản từ Nhà ga hành khách T2 sang Nhà ga hành khách T1 Nội Bài và thu 200.000 đồng/người, tổng cộng 1 triệu đồng. Từ câu chuyện này cho thấy, Hà Nội cần cải thiện việc đón khách tại “cửa ngõ” nhằm đảm bảo an toàn cho du khách quốc tế.

Gần đây nhất là vụ cháy bốt bán vé vào đền Ngọc Sơn, nằm trong di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn. Thời điểm cháy khiến một nhóm du khách hoảng hốt vì họ vẫn đang đứng trên cầu Thê Húc. Rồi với xích lô, một trong những phương tiện đi lại mang đậm văn hóa Hà Nội xưa khiến du khách rất thích trải nghiệm, nhưng mỗi nơi một giá do Hà Nội chưa dẹp triệt để nạn xích lô chui, xích lô dù. Tiếp đến là hàng rong, dù Hà Nội đã nhiều lần “mạnh tay” nhưng tình trạng bán hàng rong chèo kéo khách trong khu phố cổ vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Có thể thấy, vấn nạn "chặt chém" du khách tuy chỉ là hiện tượng đơn lẻ, xuất phát từ một số cá nhân vì ham mê lợi nhuận và bất chấp làm sai, nhưng nếu không khắc phục kịp thời, hành động này về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, làm xấu đi bộ mặt văn minh của Thủ đô. Bởi lẽ, dù trải nghiệm rất nhiều ưu điểm nhưng chỉ cần một điểm xấu còn tồn tại thì hình ảnh của điểm đến ấy đã không còn đẹp trong mắt du khách, thậm chí có thể khiến họ tẩy chay, không có ý định quay lại. Nhiều ý kiến bày tỏ, muốn xóa tình trạng "chặt chém", Hà Nội cần có chính sách quản lý bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải đăng ký và công khai toàn bộ dữ liệu cá nhân, địa chỉ, giá cả và nguồn gốc hàng hóa trên trang web du lịch của thành phố. Quan trọng là chính quyền cần thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện sai phạm phải cương quyết phạt thật nặng, tước bỏ giấy phép kinh doanh, thậm chí đóng cửa cơ sở và đăng công khai trên các trang web du lịch.

Với lượng du khách trở lại Hà Nội trong những tháng đầu năm vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với du lịch Hà Nội. Bởi nếu không làm tốt ở thời điểm này, du lịch Hà Nội khó thu hút du khách quay trở lại.

Không làm tour “cưỡi ngựa xem hoa”

Từ ngày 15/3, thị trường trọng điểm Trung Quốc được khai thác trở lại. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác cần chuẩn bị các kế hoạch để nhanh chóng đón lượng khách từ thị trường này một cách an toàn và hiệu quả.

Về phía các doanh nghiệp, ông Lê Hồng Thái - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng: Du khách cần được trải nghiệm dịch vụ đúng với số tiền mà họ bỏ ra, thay vì phải đi tour trọn gói, đi theo chương trình "cưỡi ngựa xem hoa", theo hành trình đã sắp xếp sẵn và rất vất vả. Hiện tại, các tour cần thêm thời gian trải nghiệm của du khách.

Mặt khác, theo ông Thái, Hà Nội cần hoạch định thị trường trọng điểm, xây dựng môi trường du lịch nhân văn, phát triển thị trường theo từng chiến dịch. Cụ thể, cần tiếp tục làm mới sản phẩm cũ và xây dựng sản phẩm mới như đã từng làm trước đây tại các di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long. Tới đây, Công ty Lữ hành Hanoitourist sẽ phối hợp với Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội xây dựng các điểm biểu diễn nghệ thuật cuối tuần tại một số điểm trong khu vực phố cổ.

Theo các chuyên gia du lịch, để thu hút du khách, bên cạnh việc xây dựng tour, tuyến mới còn đòi hỏi ngành du lịch Thủ đô đẩy mạnh số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Lê Thanh Thảo nhấn mạnh, ngành du lịch Thủ đô xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển du lịch chuyên nghiệp và chất lượng hơn.

Hiện Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thực hiện số hóa một số nội dung, giá trị 40 hạng mục của di tích, để mã hóa thành các QR code cho khách tham quan tìm hiểu. Ngoài ra điểm đến này đã triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ. Tương tự, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật. Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA là một trong những nỗ lực bước đầu của bảo tàng, trong việc giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật phục vụ khách tham quan và phát huy hiện vật bảo tàng trên môi trường số. Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist để quảng bá sản phẩm tour đêm trên website của các doanh nghiệp, mạng xã hội Facebook, Zalo. Tại Hoàng thành Thăng Long, ban quản lý cho áp dụng mã QR để du khách tra cứu thông tin về khu di tích, bên cạnh phần mềm kiểm soát vé và quản lý khách tự động để nâng cao công tác quản lý. Làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm thì sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để giúp du khách hòa mình vào lễ hội thủ công mỹ nghệ của làng...

Ở góc độ quản lý, định hướng cho du lịch thủ đô phát triển theo mạch chung của du lịch cả nước, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, việc phục hồi, phát triển du lịch Hà Nội cần theo tinh thần đột phá, bảo đảm tăng trưởng xanh, bền vững. Đồng thời chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo, riêng có của “Thành phố sáng tạo - Thủ đô ngàn năm văn hiến”. Hà Nội nên chú trọng tổ chức lại liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành thêm các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, đặc trưng.

Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: Tập trung khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng

Để có kết quả khả quan trong quý I, ngành du lịch Hà Nội đã nỗ lực quảng bá, tuyên truyền với nhiều sự kiện lớn được thực hiện như hoạt động khởi động du lịch “Get on - Hà Nội để yêu 2023”, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023. Đồng thời, đề nghị các địa phương, doanh nghiệp đổi mới cách xây dựng sản phẩm, ra mắt nhiều sản phẩm đặc sắc, đặc trưng của Hà Nội cũng như các sản phẩm liên kết, tạo được sức hút với du khách trong và ngoài nước. Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục phối hợp cùng các địa phương xây dựng, phát triển một số mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các huyện: Đan Phượng, Thạch Thất, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thường Tín, thị xã Sơn Tây… Khuyến khích các địa phương xây dựng sản phẩm OCOP lĩnh vực du lịch. Đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm du lịch golf.

Hiện Sở đang nghiên cứu đầu tư phát triển, khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô… gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tại các quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia, tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các thị trường trọng điểm…

Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam: Hấp dẫn du khách với mô hình tham quan sông, hồ

Hiện UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo quy định quản lý hồ Tây. Dự thảo nêu 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động. Ở rất nhiều nước trên thế giới, cũng như nhiều địa phương ở Việt Nam, mô hình tham quan du lịch trên sông, hồ đóng một vai trò rất quan trọng. Đây cũng là một mô hình thu hút, hấp dẫn khách du lịch đến với địa phương. Tôi cho rằng, việc mở lại dịch vụ trên hồ Tây hay mở thêm dịch vụ du lịch mới sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến môi trường. Vậy nên, khi mở ra bất kỳ dịch vụ nào mới, đơn vị phụ trách cần lường trước các trường hợp cũng như có phương án xử lý môi trường tối ưu.

Từ trước đến nay, Hà Nội là điểm đến của nhiều khách du lịch. Thế nhưng, dịch vụ du lịch trải qua các năm không có nhiều thay đổi - vẫn là những tour truyền thống và những tour văn hóa, lịch sử. Du khách khi đến Hà Nội thường đến với hồ Tây. Đến cả người dân Hà Nội quanh năm đều thích tập thể dục, đạp xe, hay đến hồ Tây để thư giãn. Vì vậy có thể nói cái tên hồ Tây rất ấn tượng và sẽ thu hút rất nhiều du khách.

MINH DUY - HẰNG PHƯƠNG