Băn khoăn tăng trần giá vé máy bay

PHƯƠNG CHI 02/04/2023 08:06

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến tăng khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không (trần giá vé máy bay) nội địa từ quý II và III/ 2023. Việc nâng giá trần các đường bay nội địa được xem là giải pháp giúp doanh nghiệp vận tải hàng không gỡ khó nhằm bù đắp chi phí, kinh doanh có hiệu quả. Dù vậy, việc tăng trần giá vé máy bay sẽ khiến giá vé đắt đỏ hơn, người tiêu dùng phải tốn kém hơn khi sử dụng dịch vụ.

Hướng dẫn hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phan Công.

Theo Bộ GTVT, trần giá vé máy bay đối với các đường bay từ 500 km trở lên dự kiến tăng 2,27-6,67%. Cụ thể đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có trần giá vé tăng từ mức 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng/lượt; đường bay từ 1.280 km trở lên có mức tăng cao nhất, từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng/lượt... Với mức điều chỉnh này, đường bay nhộn nhịp với tần suất khai thác cao nhất là TPHCM - Hà Nội sẽ có mức trần 8 triệu đồng/lượt khứ hồi, chưa gồm thuế, phí. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa góp phần tăng CPI thêm khoảng 0,07 điểm %.

Về việc dự kiến tăng giá vé máy bay tới đây, TS Bùi Doãn Nề - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho rằng: Với 6 hãng hàng không nội địa đang hoạt động, thị trường trong nước hiện phủ sóng ít nhất 2 hãng khai thác mỗi chặng. Như vậy, thị trường hàng không hiện nay có sức cạnh tranh cao, không còn độc quyền. "Trần giá vé máy bay "đóng khung" 8 năm qua là bất hợp lý bởi mọi chi phí đầu vào như giá nhiên liệu bay, tỉ giá, lãi suất... gần đây đều tăng mạnh. Việc nâng giá trần các đường bay nội địa là chủ trương đúng, là giải pháp ngắn hạn giúp doanh nghiệp (DN) vận tải hàng không tháo gỡ khó khăn, bù đắp chi phí, kinh doanh có hiệu quả. Việc này không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá và các hãng hàng không có điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ", TS Bùi Doãn Nề kiến nghị.

Dù vậy ở góc độ người tiêu dùng, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhìn nhận: Việc tăng trần giá vé máy bay sẽ khiến giá vé đắt đỏ hơn, người tiêu dùng phải tốn kém hơn khi sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chi phí đầu vào biến động mạnh, các hãng bay chịu sức ép rất lớn từ chi phí giá nhiên liệu tăng cao thì việc tăng trần giá vé máy bay nội địa là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên mức tăng cần được tính toán kỹ dựa trên sự biến động các yếu tố chi phí đầu vào, hài hòa lợi ích DN và người tiêu dùng, hạn chế mức thấp nhất áp lực cho việc tăng chỉ số giá tiêu dùng... “Trước đây, DN hàng không nhiều lần đề xuất thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, trong đó yêu cầu bỏ mức trần. Tuy nhiên, việc bỏ giá trần vé máy bay hiện nay chưa thể thực hiện ngay được, khi mà hàng không là lĩnh vực đặc thù, ít DN tham gia nên rất cần Nhà nước phải quản lý và định giá. Thị trường hàng không Việt Nam hiện nay vẫn còn một số DN giữ vị trí thống lĩnh nên Nhà nước phải quy định giá trần để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Ngô Trí Long nêu quan điểm.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cũng đề xuất Nhà nước vẫn quản lý giá trần với các đường bay chỉ có một hãng khai thác, còn đường bay có từ hai hãng cùng khai thác trở lên thì để thị trường tự điều tiết.

Việc tăng giá máy bay cũng khiến nhiều DN du lịch cũng băn khoăn bởi giá vé máy bay nội địa có thể tăng cao vào dịp lễ 30/4 và mùa hè tới khiến nhiều người chọn tour du lịch nước ngoài giá rẻ hơn. Ông Phạm Quý Huy - Giám đốc Công ty Kiwi Travel kiến nghị: Chúng tôi đã chấp nhận mức lợi nhuận rất thấp và bù đắp bằng việc phục vụ nhiều đoàn khách hơn để vừa kích cầu vừa giữ chân du khách. Nếu tăng trần giá vé máy bay theo thị trường là việc bắt buộc phải làm thì DN mong muốn có lộ trình từ 6 tháng đến 1 năm để DN xoay xở, tránh bị động.

Liên quan tới giá vé máy bay, mặc dù còn gần 1 tháng nữa mới đến dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhưng các kênh bán vé máy bay trực tuyến của các hãng hàng không nội địa Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways... tới các địa điểm du lịch như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Phú Yên… chỉ còn ít vé và đang cạn dần, vé phổ thông còn thì giá cao hoặc chỉ còn vé hạng thương gia. Ngày 31/3, trên hệ thống bán vé của Vietnam Airlines thông báo nhiều chuyến bay trong ngày 27/4 đã hết vé hoặc chỉ còn 1 - 2 vé với giá cao từ hơn 3,5 triệu đồng đến hơn 7 triệu đồng vé 1 chiều chặng Hà Nội - Phú Quốc. Trên cùng đường bay này, mức giá thấp nhất của hãng Bamboo Airways là hơn 6,3 triệu đồng/vé khứ hồi và Vietjet là gần 6 triệu đồng/vé khứ hồi. Với đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, các chuyến bay của Vietnam Airlines đều có giá xấp xỉ 5 triệu đồng/vé khứ hồi, mức giá tương tự cũng được Bamboo Airways mở bán và nếu bay Vietjet hành khách sẽ phải trả khoảng 4,8 triệu đồng/vé khứ hồi...

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nên nhu cầu đi du lịch, về quê, thăm thân của người dân tăng cao, dẫn đến tình trạng khan hiếm vé máy bay nếu không đặt chỗ nhanh hoặc phải chấp nhận mua vé giá cao. Càng sát ngày nghỉ lễ, giá sẽ càng tăng cao, thậm chí vượt ngưỡng kỷ lục.

PHƯƠNG CHI