Kho dược liệu giữa rừng tràm Tháp Mười
Nằm giữa rốn lũ, Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười đã tạo ra hàng loạt sản phẩm có thương hiệu chiết xuất từ rừng tràm đặc dụng và cây dược liệu di thực. Nơi đây còn là điểm nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chữa bệnh cho người cao tuổi.
Chuyện về “ông Ba đất phèn”
Vào khoảng năm 1983 chàng thanh niên, thương binh trong kháng chiến chống Mỹ quê Bến Tre Nguyễn Văn Bé tốt nghiệp Đại học Y dược TPHCM. Sau đó, theo gợi ý của Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Như Cương, anh cùng với một người bạn chung chí hướng - kỹ sư Lâm Viết Lợi băng rốn lũ lội vô vùng rừng tràm gió thuộc xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa (Long An) tìm hiểu nguồn dược liệu của loại cây đặc dụng này. Sau chuyến khảo sát, dược sĩ Nguyễn Văn Bé cùng kỹ sư Lâm Viết Lợi vác ba lô vô rừng tràm đặc dụng dựng chòi, khởi nghiệp hình thành khu “Trung tâm nghiên cứu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười”.
Để sớm đưa Trung tâm đi vào hoạt động, dược sĩ Nguyễn Văn Bé được chính quyền xã Bình Phong Thạnh (nay là thị trấn Bình Phong Thạnh), lãnh đạo huyện Mộc Hóa và UBND tỉnh Long An tạo mọi điều kiện cần thiết để Nguyễn Văn Bé hoàn thành việc bảo tồn và khai thác hiệu quả hơn ngàn ha rừng tràm gió đặc dụng.
Ông Bảy Láng - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa (cũ) nhớ lại: Trên cơ sở kế hoạch bảo tồn và nghiên cứu rừng tràm đặc dụng đã được Bộ Y tế phê duyệt, lãnh đạo tỉnh Long An chỉ đạo chúng tôi tạo mọi điều kiện tốt nhất để “Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười” triển khai xây dựng cơ sở phục vụ như: đào kinh mương thoát phèn giữ nước ngọt kết hợp giao thông nội bộ, tạo quỹ đất rừng đặc dụng, tham gia bảo vệ khu bảo tồn.
Đến nay, toàn bộ diện tích 1.029 ha đất đang sử dụng khai thác rừng đặc dụng được liên thông bởi trên 100 km tuyến kinh đào các cấp. Có tuyến dài 3,8 km, rộng 50 m ghe vận tải trăm tấn lưu thông thuận tiện. Nhờ quy chế bảo tồn nghiêm ngặt đã tạo môi trường lý tưởng cho các loại động, thực vật trong đó có 800 ha rừng đặc dụng tràm gió nguồn dược liệu chiết xuất tinh dầu. Với công lao khởi nghiệp xây dựng “Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười” trở thành khu vực bảo tồn nguồn gen dược liệu cùng các loài động, thực vật được bảo vệ và chế biến thuốc chữa bệnh phục vụ cộng đồng, năm 2010, Nguyễn Văn Bé được Nhà nước phong danh hiệu “Anh hùng thời kỳ đổi mới”, còn nhân dân và đồng nghiệp trìu mến gọi: Ông Ba đất phèn.
Chữa bệnh cho người cao tuổi
Năm 1993, khi còn là sinh viên năm thứ ba, Khoa Dược - Trường Đại học Y dược TPHCM, Bùi Đắc Thắng một lần xuống “Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười” thực tập, anh không những cảm phục ý chí khởi nghiệp của dược sĩ Nguyễn Văn Bé mà còn bị hớp hồn bởi phong cảnh thiên nhiên hoang dã, giàu cây dược liệu ở một góc khu vực Đồng Tháp Mười của huyện Mộc Hóa (Long An). Năm 2007, lần thứ hai trở lại thăm “Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười” giữa Đồng Tháp Mười đang chuyển sang thời kỳ phát triển mới. Với hoài bão đem kiến thức được đào tạo phục vụ sức khỏe cộng đồng, dược sĩ Bùi Đắc Thắng nhận lời cùng ông Nguyễn Văn Bé quyết tâm không chỉ bảo tồn, nghiên cứu, phát triển dược liệu mà còn thực hiện hóa biến vùng đất phèn giữa Đồng Tháp Mười trở thành nơi phục hồi sức khỏe cho cộng đồng, nhất là người cao tuổi.
Năm 2016, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới “ông Ba đất phèn” Nguyễn Văn Bé bị đột quỵ qua đời, mọi công việc còn dang dở nơi đây được dược sĩ Bùi Đắc Thắng gánh vác. Dược sĩ Bùi Đắc Thắng tâm sự: “Cùng lúc, chúng tôi thực hiện 4 nhiệm vụ được Bộ Y tế giao: Bảo tồn vĩnh viễn 800 ha rừng tràm gió đặc dụng; bảo tồn nguồn gen 80 loài dược liệu quý khu vực Đồng Tháp Mười; tiếp tục trồng, chế biến tạo sản phẩm dược liệu phục vụ cộng đồng; xây dựng khu du lịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt người cao tuổi trên nguồn dược liệu Đồng Tháp Mười”. Nhờ xây dựng nhà máy chế biến dược phẩm tại chỗ “Công ty cổ phần nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười” đã sản xuất hai loại sản phẩm chủ lực là “Mộc hoa tràm” (tràm Mộc Hóa) và “Mộc da - ta” chiết xuất từ cây diếp cá chuyên điều trị bệnh trĩ, được Bộ Y tế công nhận là “Thuốc dùng ngoài” và nhiều sản phẩm dược, đồ uống từ nguồn dược liệu tại chỗ như trà sen trắng, lá vối...
Để khai thác nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nơi đây đã hình thành Khu du lịch “Cánh đồng bất tận” trên nền trường quay bộ phim “Cánh đồng bất tận” (dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) trong diện tích rừng tràm đặc dụng đang quản lý và khai thác. Theo tuyến Kinh Giữa rộng khoảng 50 m, dài 3,8 km du khách sẽ đi trên những cây cầu tràm trải ra cánh đồng cỏ bàng ngút mắt. Hàng đàn chim gà nước, còng cọc, cò, vạc... dạn dĩ rẽ bàng thành lối nhỏ. Nhờ bảo vệ nghiêm ngặt, các loài cá trên khu du lịch “Cánh đồng bất tận” và dưới các dòng kinh sinh sôi quẩy sóng. Qua cầu Hoàng Hạc, du khách thả mình dưới bóng mát tràm gió để vào kinh Trục Chính dài 3,8 km ngắm bầy “chim bay dẫn đường” đưa khách đến bờ kinh có dàn cây sa - chi dài 400 mét, loại dược liệu xuất xứ từ núi rừng Tây Nguyên di thực về phục vụ chiết xuất tinh dầu giàu hàm lượng omega điều trị tim mạch.
Ngày nay công cuộc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười đã quy hoạch 50 ha chuyên trồng cây dược liệu, trong đó có một số loài nhập từ Australia, Nam Mỹ di thực về. Các loại cây dược liệu là nguồn nguyên liệu quý để sản xuất thuốc. Mỗi năm có hàng trăm sinh viên khoa dược năm cuối của các trường đại học vùng đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM, miền Đông Nam Bộ đến thực tập, cùng tham gia sản xuất dược liệu…