Phát huy thế mạnh FTA trong chuỗi giá trị toàn cầu
Trước tình trạng xuất khẩu của nhiều ngành hàng giảm, giới chuyên gia cho rằng cần phát huy tốt hơn vai trò đối tác thương mại thông qua các hiệp định thương mại (FTA). Từ đó nâng cấp chuỗi giá trị, phấn đấu tham gia vào phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Quý 1/2023, tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng 3,32%. Tính chung toàn quý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá chung, do nhu cầu tiêu dùng thắt chặt tại các quốc gia nên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng chững lại. Song, xuất khẩu năm 2023 vẫn đặt mục tiêu tăng 8%, vì thế việc khơi thông thị trường xuất khẩu cần thiết hơn bao giờ hết.
Vai trò của Tham tán thương mại
Với thị trường Mỹ, theo số liệu của Cục Thống kê nước này cho thấy, 2 tháng đầu năm Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD, tuy đã giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2022; và chiếm tỷ trọng 2,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 9,23 tỷ USD (chiếm xấp xỉ 5,6% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, giảm 6,8%), Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ đạt 733,8 triệu USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong bối cảnh đó, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng cho biết, thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã triển khai hàng loạt các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với các bên liên quan; theo dõi chặt chẽ diễn biến các vụ việc để kịp thời cập nhật thông tin, gửi thông báo, báo cáo những vấn đề phát sinh trong chính sách điều hành của Mỹ.
Đối với thị trường EU, 2 tháng đầu năm 2023, xuất siêu của Việt Nam sang EU ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, EU tập trung thực hiện quy định về hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vì thế doanh nghiệp (DN) cần đặc biệt lưu ý.
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada chia sẻ, trong bối cảnh thị trường thế giới tương đối ảm đạm, Canada vẫn là điểm sáng nhờ triển vọng thị trường khá khả quan. Xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm 10 mặt hàng chủ chốt của Việt Nam sang Canada vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao, trong khi đó da giày ghi nhận tăng trưởng tới 122% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng nông sản cũng có tốc độ tăng trưởng tốt, ở cả nhóm rau củ quả, gia vị và gạo. Gỗ nội thất cũng có xu hướng phục hồi so với năm 2022.
Doanh nghiệp chủ động tìm cơ hội mới
Theo bà Dương Thị Minh Tuệ - Công ty Gỗ Minh Vương, một số DN chế biến gỗ đã bắt đầu chuyển hướng tìm kiếm nguyên liệu gỗ cho các dòng sản phẩm đặc thù thuộc phân khúc cao cấp để cung cấp cho khách hàng khó tính ở châu Âu và một số thị trường khác, điển hình là khách hàng Trung Đông đang rất ưa chuộng các sản phẩm cao cấp của Việt Nam.
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho rằng đồ gỗ cao cấp là phân khúc rất tiềm năng, DN gỗ Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhưng lâu nay ít chú trọng.
Theo phân tích của ông Khanh, đồ gỗ nội thất cho các công trình khách sạn 4-5 sao đang rất cần nhà cung cấp. Những khách hàng này thường đòi hỏi sản phẩm có chất lượng tốt, thời gian giao hàng nhanh, nếu đáp ứng được, các DN gỗ sẽ có được hợp đồng giá trị rất lớn. Hiện đã có một số DN Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho các thương hiệu khách sạn lớn trên thế giới.
Cũng theo ông Khanh, sản xuất sản phẩm gỗ cho công trình, cung cấp các mặt hàng cao cấp sẽ giúp Việt Nam phát triển ngành gỗ bền vững, đáp ứng được nhu cầu của những thị trường khó tính, đặc biệt là khách hàng châu Âu đòi hỏi rất cao về chất lượng cũng như tính thẩm mỹ, thay vì chỉ tập trung vào nhóm sản phẩm giá rẻ hoặc gia công như thời gian qua. Nhu cầu của thị trường hiện nay có tính cá thể cao, khách muốn mua hàng đáp ứng tính thẩm mỹ cao và nhanh nên họ chấp nhận trả giá cao hơn. Do đó, các DN có thể linh động sản xuất những mặt hàng với số lượng nhỏ hơn nhưng có giá trị cao hơn.
Còn với ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nêu quan điểm để thúc đẩy tăng trưởng chỉ có cách duy nhất là nâng giá trị sản phẩm. Nhiều DN cho biết từ thực tế biến động thị trường, các DN thủy sản có điều chỉnh hợp lý các sản phẩm xuất khẩu. Ví dụ, với Trung Quốc thì ngoài sản phẩm đông lạnh, DN đã tận dụng lợi thế về vị trí địa lý gần để tăng xuất khẩu tôm, hải sản tươi sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch.
Dự báo sát tình hình, tận dụng FTA
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) dự báo tình hình thế giới thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. Một số quốc gia dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu như thu phí cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu… Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới.
Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù chúng ta xuất khẩu sang các thị trường như EU, Mỹ, Canada hay Trung Quốc có giá trị tăng nhưng tỷ trọng của những thị trường này còn có khả năng đạt cao hơn nữa. Việc nắm bắt cơ hội được hay không là phụ thuộc năng lực của DN và chính sự hỗ trợ của Chính phủ. Cộng đồng DN luôn trông chờ các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn từ Chính phủ, làm sao giúp DN một cách thiết thực.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng các hiệp định thương mại (FTA) mở ra cơ hội giao thương rất lớn cho DN. Tuy nhiên, muốn vững chân trên thị trường quốc tế, một mình DN không làm được mà phải bằng định hướng chiến lược rõ ràng. Chính phủ cần có thiết chế bảo vệ DN nhỏ và vừa khi tham gia xuất khẩu. Cùng đó, Bộ Công thương cần thiết kế chính sách làm sao tạo động lực lớn hơn nữa cho DN. Ngành Công thương cần đảm đương được công tác tuyên truyền hiệu quả, phải điều tra, khảo sát một cách khoa học, tỉ mỉ để cung cấp thông tin hữu hiệu nhất cho DN tận dụng ưu đãi từ các FTA.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến:
Vừa tiêu thụ trong nước, vừa đẩy mạnh xuất khẩu
Ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai các biện pháp mở rộng thị trường, vực dậy xuất khẩu, tăng sức mua ở thị trường nội địa. Trước mắt, tháng 4, ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; tổ chức hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc; tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh, chuỗi sự kiện thực phẩm và đồ uống quốc tế tại Anh trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Anh...
TS Vũ Tiến Lộc - Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam:
Số hóa để tương tác với người mua hàng
Hiện thương mại điện tử xuyên biên giới đã thay đổi hoàn toàn xu hướng kinh doanh, hợp tác với nhiều DN, trong đó các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa có cơ hội bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ xúc tiến thương mại trực tuyến, tìm kiếm bạn hàng và ký kết được hợp đồng thì trước hết các DN cần trang bị đầy đủ những điều kiện cần và đủ. Theo đó, DN cần có sản phẩm đủ tiềm năng xuất khẩu với giá cạnh tranh; có nhân sự chuyên trách và gian hàng quảng bá chuyên nghiệp; tích cực nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt nên DN cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ tốt cho các khâu từ marketing đến bán hàng, chăm sóc khách hàng...