Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030: Lượng phải đi kèm với chất

V.Thắng 03/04/2023 07:10

Theo phương án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 được Bộ Nội vụ đưa ra, sẽ giảm thêm hơn 20 huyện và hơn 1.000 xã. Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là chất lượng hoạt động của bộ máy như thế nào?

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại trụ sở xã Minh Tân (huyện Vụ Bản, Nam Định). Ảnh: TL.

Giảm huyện và xã: Hoàn toàn khả thi

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, năm 2023, 2024 là thời điểm tập trung cao nhất để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Dự kiến số lượng huyện, xã phải sắp xếp, sáp nhập tới đây là rất lớn.

Như vậy, nếu dựa theo kết quả tinh giản giai đoạn trước thì đến năm 2030 số phải giảm cỡ hơn 20 huyện và hơn 1.000 xã. Hiện nay Bộ Tư pháp đang thẩm định Tờ trình (do Bộ Nội vụ xây dựng) dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030.

Thẩm định vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, việc ban hành nghị quyết là cần thiết nhưng phải có những cơ chế, chính sách, tiêu chí phù hợp với đặc thù địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn tới.

Theo đó, Bộ Nội vụ cần rà soát lại tính khả thi, thống nhất của các quy định đưa ra trong dự thảo nghị quyết, bổ sung đánh giá chi tiết tác động của chính sách đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và các đối tượng khác có liên quan về các mặt kinh tế, xã hội, vấn đề giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, mục tiêu đến năm 2030 giảm 20 huyện và hơn 1.000 xã mà tư lệnh ngành Nội vụ ước tính là khả thi. Bởi các tiêu chí là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Vừa qua chúng ta đã có những kinh nghiệm trong việc sắp xếp. “Việc tinh gọn sẽ tạo ra hiệu lực hiệu quả cho bộ máy. Nhất là hiện nay chúng ta đang áp dụng công nghệ 4.0 vào trong quản lý điều hành thì nâng cao được chất lượng hiệu quả. Nếu cứ cồng kềnh như hiện nay thì tốn kém và tính hiệu quả không cao”-ông Dĩnh cho hay.

Trụ sở và cán bộ dôi dư: Xử lý thế nào?

Vấn đề lo ngại hiện nay chính là dôi dư cả về trụ sở lẫn cán bộ, nhất là sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi sáp nhập. Bởi thực tế, khung vị trí việc làm tại các đơn vị hành chính cấp xã, phòng, ban chuyên môn cấp huyện cơ bản đã bố trí đủ nên khó khăn để sắp xếp đội ngũ dôi dư.

Chính Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn trong sắp xếp cán bộ dôi dư và cho rằng có tình trạng cùng một vị trí việc làm có nhiều công chức hơn so với quy định. Không tránh khỏi việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức không đúng chuyên môn hoặc nguyện vọng của cán bộ, công chức. Chưa kể tuổi đời của phần lớn đội ngũ công chức hiện nay còn trẻ, thời gian tiến hành sắp xếp ngắn, chế độ, chính sách chưa đủ để hỗ trợ cán bộ, công chức ổn định cuộc sống sau khi nghỉ việc và tìm công việc khác.

Để giải quyết, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã đề xuất nhiều chính sách trong 2 dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế; về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Cụ thể, dự thảo Nghị định về tinh giản biên chế, Bộ đưa ra chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ trong thời gian 6 tháng được hưởng mức trợ cấp 1,8 triệu đồng (bằng 1 tháng lương cơ sở áp dụng từ 1/7/2023) hoặc bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng. Còn tại dự thảo Nghị định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cũng mở rộng số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy mô dân số, không khống chế tối đa.

Nhưng việc khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ việc cũng không đơn giản. Từ thực tiễn cơ sở tại địa phương, ông Nguyễn Trọng Tân - Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh cho rằng, mức hỗ trợ cán bộ dôi dư mỗi tháng 1,8 triệu đồng không đủ để khuyến khích họ tự nguyện tinh giản biên chế. Do đó nên lấy mức lương hiện hưởng và quy định khung thấp nhất và cao nhất để các địa phương tùy tình hình ngân sách của mình để chi trả.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (đoàn Hoà Bình) đánh giá, thời gian qua nhiều cán bộ dôi dư sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa có phương án sắp xếp, giải quyết chế độ phù hợp. Như Hoà Bình có nơi 3, 4 xã sáp nhập làm 1.

“Sau sáp nhập thì địa bàn rộng, là tỉnh miền núi nên đi lại rất khó khăn, xa xôi cho cả cán bộ và người dân. Hiện các trụ sở sau sáp nhập chưa được xử lý, bỏ hoang rất lãng phí. Việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó tới đây trong quá trình sắp xếp theo tôi phải cân nhắc tính toán hợp lý, giải quyết các vướng mắc hiện nay và có cơ chế để xử lý” - bà Ngọc kiến nghị.

V.Thắng