Hạ lãi suất - mũi tên trúng nhiều đích
Thời gian qua, lãi suất vay quá cao khiến nhiều doanh nghiệp không dám vay. Bởi vậy quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu từ hôm nay (3/4) sẽ kích thích được tín dụng và thúc đẩy nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, tác động tích cực đến nền kinh tế.
Doanh nghiệp khát vốn
Ông Nguyễn Ngọc Hoà - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, trong quý I/2023, các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của TPHCM đều bị sụt giảm. Kết quả khảo sát của HUBA cho thấy, tăng trưởng của ngành dệt may giảm tới 30%, thuỷ sản giảm 30%, gỗ giảm 40%, bất động sản đóng băng khiến các ngành sắt thép, xây dựng, xi măng… cũng đóng băng gần như 90%. Trước tình hình khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm, có 17,6% doanh nghiệp (DN) đã phải cắt giảm lao động.
“Mặc dù tình hình khó khăn, nhưng DN vẫn có nhu cầu vốn rất lớn để cầm cự trong giai đoạn hiện nay” – ông Hoà cho biết.
Trong khi đó ông Lê Mai Hữu Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi cho biết, kể từ khi lãi suất tăng cao, Công ty Cát Vạn Lợi đã phải tạm ngừng vay vốn ngân hàng. Theo ông Lâm, trong ngành công nghiệp hỗ trợ, quản lý tốt thì mức lãi ròng cũng chỉ được 6-7%. Do đó, mức lãi suất trên 10% như hiện nay là vượt quá khả năng của DN.
Trong lĩnh vực dệt may, ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội May – Thêu – Đan TPHCM cho hay, rất nhiều hội viên có nhu cầu vay vốn đầu tư. Bởi nếu ngành dệt may không đầu tư chuyển đổi công nghệ 4.0 thì 2-3 năm nữa sẽ không còn duy trì được ở Top 3 như hiện nay. “Hiện các DN nước ngoài đã biết được những khó khăn này của ngành dệt may Việt Nam và đang tìm cách mua lại những DN tiềm năng”. Bởi vậy, nhiều DN mong ngân hàng có chính sách giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho DN và giảm lãi suất để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo bà Trần Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), hiện nay việc tiếp cận vốn của DN còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn không chỉ đến từ thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, mà còn đến từ tiếp cận tín dụng ngân hàng. Bà Minh dẫn ví dụ, việc triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn chậm so với nhu cầu. Nguyên nhân do DN còn ngần ngại về việc thanh tra, kiểm tra sau khi nhận hỗ trợ lãi suất và quy định điều kiện hỗ trợ “có khả năng phục hồi” chưa rõ ràng.
Tín hiệu vui
Bắt đầu từ ngày 3/4, NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành từ 0,3 - 0,5%/năm. Động thái mới nhất này của NHNN nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phù hợp với xu hướng của các ngân hàng trong khu vực.
Cụ thể, về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giữ nguyên ở mức 6,0%/năm.
Với mặt bằng lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm, thanh khoản của hệ thống NHTM sẽ tốt hơn tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ được điều chỉnh giảm làm gia tăng đầu tư và tiêu dùng.
Giới chuyên gia nhận định lãi suất hạ nhiệt là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế cũng như hầu hết các hoạt động của DN, một mặt vừa kích thích nhu cầu sử dụng vốn, mặt khác hỗ trợ DN và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn.
Theo TS. Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV, việc NHNN giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới. Qua đó, tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng DN và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Còn theo TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, trong các dự báo gần đây, các chuyên gia cũng đều cho rằng, Fed sẽ xem xét lại chính sách tăng lãi suất của mình, tăng nhẹ hơn, thậm chí là chững lại. Trong nước, tăng trưởng tín dụng chậm lại, người dân thận trọng vay vốn vì lãi suất đang ở mức cao. Vì vậy, việc giảm lãi suất là cần thiết. “Giảm lãi suất có thể làm tăng áp lực lạm phát, tuy nhiên mức giảm lãi suất từ 0,5% - 1% sẽ không tác động nhiều đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Trong khi đó, quyết định giảm lãi suất điều hành là động thái “bật đèn xanh” để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất huy động, từ đó kéo giảm lãi suất cho vay” - bà Hoàng Anh nhấn mạnh.