Xuất khẩu nông sản: Sức ép cạnh tranh ngày càng lớn
Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng đối với ngành rau quả Việt Nam. Năm 2023, nếu thuận lợi, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt khoảng 1 tỷ USD. Thanh long, sầu riêng là những sản phẩm đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD của ngành rau quả trong năm nay.
Đánh giá về tiềm năng và cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng 23%, thị trường này hiện chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023 do Bộ Công thương tổ chức mới đây, ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, sở dĩ xuất khẩu rau quả đạt con số ấn tượng trong năm 2022 là do Trung Quốc mở cửa thị trường với nhiều sản phẩm của ta như sầu riêng, tổ yến, khoai lang...
Vừa qua, Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số lên 343 cơ sở được cấp phép. Đây cũng chính là động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, khi sầu riêng là loại trái cây có giá trị xuất khẩu và năng lực cạnh tranh cao tại thị trường này.
Cũng theo ông Lai, thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn khá khiêm tốn khi chỉ chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Trung Quốc từ thế giới hàng năm. Điều này cho thấy dư địa xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường này vẫn còn khá lớn.
Với mặt hàng thủy hải sản, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đánh giá, hết tháng 3, xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 1,8 tỷ USD, giảm 29%, đặc biệt, các thị trường chính đều sụt giảm rất lớn như: Mỹ giảm 55%, châu Âu giảm 30%, Trung Quốc giảm thấp nhất 11%. Dù sụt giảm song theo Vasep, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, Vasep cũng cảnh báo rằng, áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các DN nhiều nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa.
Giới chuyên gia nhận định, hiện nay các chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc tiếp tục thắt chặt. Đồng thời, tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào - Thái Lan đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển nông sản từ các nước ASEAN vào Trung Quốc, nhất là nông sản Thái Lan, do đó sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh đối với nông sản Việt Nam.
Để các DN tiếp tục giữ được thị trường cũng như mở rộng hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng, DN cần tiếp tục chú trọng và nâng cao chất lượng hàng hóa, thực hiện nghiêm các biện pháp về kiểm dịch an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói đối với hàng thực phẩm, nông, thủy sản theo quy định của thị trường. Nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm bằng cách thay đổi bao bì phù hợp và thu hút hơn người tiêu dùng Trung Quốc.
Ông Tô Ngọc Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) nhấn mạnh, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản chính ngạch sang thị trường tỷ dân này, các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.