Cảm nhận Mã Pì Lèng

NGUYỄN TRỌNG VĂN 06/04/2023 09:16

“Thật không hổ với danh xưng “Tứ đại đỉnh đèo”. Khi đứng trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng nhìn ra bát ngát xung quanh tôi đã không kìm được cảm xúc của mình mà hét to lên như vậy. Quả thực được đứng ở đây, giữa thiên nhiên kỳ vĩ tôi đã mau chóng quên đi cái cảm giác sợ hãi lúc xe vượt đèo.

Một điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng, phía dưới là dòng Nho Quế.

Nhớ tối hôm qua, lúc chúng tôi ngồi trong một ngôi nhà cổ ở ngay đầu phố Đồng Văn để thưởng thức những điệu múa khèn man điệu thì bà Hà Thị Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang thông báo: “Sớm mai đoàn chúng ta sẽ về thành phố Hà Giang. Lượt về này chúng ta sẽ vượt đèo Mã Pì Lèng”.

Nghe thế tôi cứ khấp khởi mừng thầm, đơn giản là vì đã lên tới tận Đồng Văn mà không được “thưởng thức” cảm giác “hết hồn” được đi trên con đèo nổi danh thì cũng vô cùng đáng tiếc.

Thế là cả đêm tôi ngủ không trọn giấc, câu chuyện về con đường đèo cực đẹp nhưng cũng cực kỳ cheo leo cứ lấn hết mọi suy nghĩ. Mới sớm tôi đã tỉnh dậy, háo hức hệt như một đứa trẻ được mẹ hứa đưa về quê ngoại chơi vậy. Những người bạn đồng hành của tôi cũng ngong ngóng trời mau sáng để được vượt đèo.

Bắt đầu từ cuối phố Đồng Văn, đường lên đèo Mã Pì Lèng cao cao vách đá. Đây là lần đầu tiên tôi được lên Cao nguyên đá Đồng Văn và cũng là lần đầu tiên được “chinh phục” con đường đèo nổi danh trong “Tứ đại đỉnh đèo”.

Đèo Mã Pì Lèng không dài lắm, chừng 20 cây số với hai điểm đầu cuối là hai thị trấn cũng vô cùng nổi tiếng với điểm đầu phía bắc là phố cổ Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn) với phiên chợ Đồng Văn vui như ngày hội và điểm đầu phía nam là thị trấn Mèo Vạc với phiên chợ tình Khâu Vai réo rắt tiếng khèn Mông rủ rê mê hoặc.

Xe bắt đầu lên đèo. Trời còn chưa rạng ánh ngày nhưng chừng đó cũng đủ cho tôi nhìn qua cửa kính xe. Tiếng gió miết dàn dạt, tiếng máy xe rú nặng nề. Những âm thanh đó đã cho tôi thấy đường lên đèo Mã Pì Lèng khó khăn như thế nào. Ngồi trong xe, mọi người đều im lặng. Lúc trước chúng tôi đã được “phổ biến” là: “Khi xe lên đèo thì đừng ai kêu thét gì đấy. Để yên cho chú lái xe điều khiển xe lên dốc”.

Quả thật lời “phổ biến” cứ tưởng như thừa ấy hóa ra lại rất có lý. Qua cửa kính của xe tôi chợt rùng mình, một thoáng nhắm mắt, chút nữa thì kêu lên. Bên ngoài thật vô cùng “ngoạn mục”. Bầu trời cao nguyên dường như chỉ có một màu xanh thăm thẳm với những vách đá dựng đứng, với những vực sâu hun hút và với những khúc cua uốn lượn, con đường cứ như dâng lên cao lên cao không ngớt.

Thấp thoáng sau mỗi khúc cua chúng tôi thấy bóng dáng những cô gái Mông, những cô gái Lô Lô, váy hoa rực rỡ. Các cô như hiện ra bên những bờ đá, các cô như hiện ra sau hàng cây sa mộc. Người bạn ngồi cùng xe, tên là Minh Tuấn bấy giờ mới quay sang tôi, anh nói đủ nghe: “Các cô gái này chắc cũng như ông”. Tôi vội hỏi lại: “Như tôi là thế nào?”. Anh bạn Minh Tuấn cười cười: “Thì các cô ấy cả đêm hôm qua cũng có ngủ được đâu. Các cô háo hức đi chơi chợ Đồng Văn mà”.

Thì ra hôm nay là chủ nhật. Phiên chợ Đồng Văn được mở vào ngày chủ nhật. Người miền núi ở đâu cũng vậy. Không hiểu từ khi nào và từ điều gì mà hầu khắp các chợ phiên miền núi đều được mở vào ngày chủ nhật. Ngày chủ nhật đối với người miền núi phía bắc thực sự là một ngày nghỉ cuối tuần vô cùng ý nghĩa. Ngày hôm đó mọi người từ các bản cheo leo trên đỉnh núi, từ các bản xa hút rừng xa, cho đến cả những người sống gần đường quốc lộ hay gần phố thị cũng đều có tâm trạng như nhau. Tất cả đều háo hức. Tất cả đều mong chờ. Và để rồi tất cả cùng đi chơi chợ.

“Chơi chợ”. Người vùng cao không nói là đi chợ hay câu gì đó đại loại nói lên việc đi chợ là để mua bán. Không vậy. Người vùng cao đã nói là nói “chơi chợ” bởi họ xuống tới chợ đâu phải chỉ để mua, đâu phải chỉ để bán. Họ xuống chợ để “chơi chợ”, nghĩa là xuống chợ để vui bạn vui bè. Xuống chợ là để được thổi khèn, được múa ô và để được thấy được người mình đã thầm thương trộm nhớ. Còn đối với những người chưa có người mình thương thì xuống chợ để tìm người thương. Chợ vùng cao cũng là một địa điểm để trai gái hò hẹn. Cũng là địa điểm để vui cùng nhau và say cùng nhau.

Nghe giảng giải thế tôi chợt nhận ra, chơi chợ cũng là “nét văn hóa” của người miền núi. Thảo nào trai gái, già trẻ ai ai cũng háo hức, cũng ngong ngóng suốt đêm.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã đến được đỉnh đèo. Đợi cho mọi người xuống hết xe và đợi cho mọi người “hoàn hồn”, bấy giờ bà Hà Thị Minh Hạnh mới cho biết: “Đèo Mã Pì Lèng là con đèo nằm trên quốc lộ 4C. Đèo có phần lớn thuộc huyện Mèo Vạc và một phần kia thuộc huyện Đồng Văn. Đường 4C còn được gọi là đường “Hạnh phúc”.

Trước năm 1960 con đường này là đường ngựa thồ. Nghĩa là đường đi có ngựa thồ hàng và người đi bộ là đi được. Đỉnh đèo cũng chính là ranh giới giữa huyện Đồng Văn và huyện Mèo Vạc. Mấy năm trước đường đèo còn nhỏ và “chênh vênh” tỉnh chúng tôi mới tiến hành mở rộng mặt đường, trải thảm nhựa bê tông, cắm cọc tiêu và dựng bờ hộ lan bằng bê tông”.

Nghe bà Phó Chủ tịch phụ trách văn xã nói vanh vách tôi vội nói nhỏ với anh bạn Minh Tuấn: “Bà này cứ như dân giao thông đích thực vậy”. Anh bạn Minh Tuấn cười vang: “Cô Hạnh đây trước khi được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Giám đốc Sở Giao thông vận tải của tỉnh Hà Giang. Cô ấy trưởng thành từ những cung đường đấy”.

“Thôi chết”. Tôi hơi ngượng ngùng nên quay ra nhìn dòng sông Nho Quế mảnh như sợi chỉ hun hút giữa đôi bờ vách núi dựng đứng, nước xanh đậm chảy âm thầm ở dưới thung sâu. Dòng sông Nho Quế đứng ở vị trí đỉnh đèo Mã Pì Lèng có cảm giác như dòng sông chảy thẳng ra từ chân núi vậy, dòng sông như xẻ đôi dãy núi mà ra vậy.

Bà Minh Hạnh lại gần tôi và nhìn xuống dòng Nho Quế. Bà Hạnh bảo: “Sông Nho Quế là một phụ lưu của sông Gâm, nó bắt nguồn từ bên Trung Quốc. Phần chảy trên địa phận nước ta là 46km. Dòng sông cũng là một đoạn của đường biên giới quốc gia”. Rồi bà Hạnh nói vui vui: “Người Hà Giang chúng tôi lại bảo sông Nho Quế được chắt ra từ những giọt mồ hôi rơi xuống cao nguyên đá”. Ôi! Thật là không có lời nói nào hay hơn và ý nghĩa hơn như thế bởi những người dân Cao nguyên đá Đồng Văn đã phải chắt chiu biết bao đời mới làm nên một cao nguyên xinh đẹp và trù phú.

Câu chuyện với dòng sông Nho Quế được nhân lên khi có người trong đoàn đề nghị mọi người cùng “nói trạng” về độ sâu tính từ đỉnh đèo xuống tới mặt nước sông Nho Quế. Anh bạn Minh Tuấn giơ tay xin nói, anh bảo: “Có người vừa nạp pin điện thoại vô tình tuột tay đánh rơi nó. Điện thoại rơi xuống mặt sông mới hết pin”. Chà câu trạng này cũng hay đây.

Tôi bước lại gần bờ đá hơn. Cúi xuống nhìn dòng Nho Quế thêm lần nữa rồi quay lại, tôi vừa nảy ra một câu thơ, bèn đọc: “Mặt trời nhô lên trên đỉnh Mã Pì Lèng/ Đỏ như vầng trán chàng trai Mông vừa uống xong bát rượu/ Sông Nho Quế đột ngột mở ra dải lụa mềm uốn mình nằm phơi dưới nắng/ Ánh tấm gương tráng bạc tráng vàng/ Con chim đại bàng đất giang đôi cánh mải miết tìm về/ Trót đẻ rơi quả trứng/ Lưng chừng trời tôi sững sờ bắt gặp/ Từ dưới thung sâu có đôi chim non đập cánh bay lên”.

Mọi người cùng vỗ tay. Câu nói trạng nào cũng hay, cũng nói lên được “sự sâu hun hút” của dòng Nho Quế chảy dưới chân đèo Mã Pì Lèng. Bà Hà Thị Minh Hạnh đến bên tôi, khích lệ: “Anh nhớ hoàn chỉnh bài thơ này nhé”.

Tôi hào hứng đọc luôn: “Mã Pì Lèng! Móng ngựa khua rộn vách đá đường khuya/ Lẩn khuất mù sương những hàng cây sa mộc/ Tôi cúi mặt trông mây bay ngỡ cầm tay nắm bắt/ Những đỉnh non tưởng như thể sát gần/ Có chút gì tựa như những dấu chân/ In rạo rực thuở người đi vạch rừng bạt núi/ Có chút gì nghe đầm như hơi thở/ Đánh thức trong tôi ngàn vạn mối cảm tình”.

NGUYỄN TRỌNG VĂN