Bảo Phúc - Dòng sông đã lặng trôi

Nhạc sĩ Hồng Đăng 10/04/2023 09:51

Trưa nay, tôi bàng hoàng khi nghe tin nhạc sĩ Bảo Phúc ra đi. Anh ra đi khi còn quá trẻ, trong độ tuổi sung sức sáng tác của người nghệ sĩ. Thế mà anh ra đi… Tuổi 53...!

Nhạc sĩ Từ Huy, anh Lê Chí Thành, nhạc sĩ Bảo Phúc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước hẻm 74C, Phạm Ngọc Thạch, quận 3 - TPHCM, năm 1995. Ảnh: Dương Minh Long.

Nhớ lại ngày nào, ca khúc “Những nẻo đường phù sa” do anh sáng tác và tự biểu diễn cho phim đã tạo một ấn tượng lớn trong lòng công chúng và làm mưa làm gió trên sân khấu ca nhạc.

Xuất thân trong gia đình hoàng tộc ở Huế. Ông nội anh là em ruột vua Thành Thái tước vị Tuyên Hóa Vương. Vậy mà trong cả một thời thơ ấu, anh không được hưởng những tháng ngày êm đềm. Nhìn vẻ hào hoa của anh, không ai nghĩ được rằng đã có một thời, anh phải ngồi trong đôi gánh của mẹ, qua những ngày buôn thúng bán bưng...

Bắt nguồn từ truyền thống gia đình, cha anh là nhạc sĩ đàn dân tộc Vĩnh Phan và mẹ anh, nghệ sĩ Bích Liễu đã từng một thời là giọng ca chầu văn nổi tiếng ở cung đình Huế. Năng khiếu và tình yêu âm nhạc của cha mẹ anh đã truyền lại trọn vẹn cho các con qua những ngày khó khăn, gian khổ.

Anh đã phải thử mình trong đủ mọi hoàn cảnh: đi bán chè, đi dạy thuê, đi bán báo, đi bán bánh ngọt… và lạ thế! Càng khó khăn bao nhiêu, anh lại càng có dịp thử thách bản lĩnh của mình bấy nhiêu. Và cả một thời gian dài sau này anh dốc lòng vào âm nhạc, viết như điên, hát như điên, phối khí như điên… Anh đã tự thử mình ở nhạc múa, nhạc phim, nhạc sân khấu. Và hầu như không bao giờ anh làm thất vọng những người đã cộng tác với anh.

Có lẽ điều hạnh phúc lớn của gia đình anh là đã có hai người con trai nổi tiếng về âm nhạc: Bảo Phúc và Bảo Chấn. Hai anh em xông pha trong tất cả các lĩnh vực: thu thanh, biểu diễn, chỉ huy dàn nhạc và sáng tác nhạc. Nhiều tác phẩm đã được dựng lên, trau chuốt, có tay nghề vững chãi.

Có lẽ, ít ai biết anh đã rèn luyện một cách kĩ lưỡng về các ngón đàn cho khoảng gần 30 loại nhạc cụ khác nhau. Và cũng không ai có thể ngờ là năm 10 tuổi anh đã đoạt giải 3 trong cuộc thi hội họa dành cho thiếu nhi thế giới. Tay chân linh hoạt nên anh đã chơi bóng bàn cũng điêu luyện như sử dụng nhạc cụ. Có lẽ cũng ít ai biết là chơi bóng bàn giỏi như thế, xử lý bóng bàn linh hoạt như thế nhưng anh đã bị hỏng một mắt do một tai nạn từ năm 8 tuổi. Và cũng do thích chơi bóng bàn, anh đã gặp được hai người bạn tri kỷ vong niên: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và con ông, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Quang Dũng. Hỏng mắt nhưng không bao giờ có đủ tiền để mổ. Thật khổ. Nghệ sĩ như vậy đấy!

Bảo Phúc là một cây bút được giới trẻ yêu thích. Anh sắc sảo cả về mặt sáng tác khí nhạc (nhạc không lời) lẫn sáng tác thanh nhạc (nhạc cho giọng hát). Và riêng lĩnh vực ca khúc anh đã để lại nhiều ấn tượng với: “Những nẻo đường phù sa”, “Đêm xa người”, “Nụ hồng lẻ loi”, “Bỗng gọi tên anh”, “Để gió đưa vào quên lãng”, “Ngày xưa tiếng vĩ cầm”, “Dòng sông lặng trôi”…

Trong lĩnh vực điện ảnh, anh cũng xông xáo khá nhiều. Liên miên hết phim này tới phim khác, có thể nói anh là một trong những nhạc sĩ quá đắt khách. Các nhà sản xuất và đạo diễn yên tâm khi anh nhận lời viết nhạc cho phim của mình. Nhưng lần này…

Hình như Bảo Phúc sinh ra là để cho bạn bè. Đến đâu anh cũng được đón tiếp một cách nồng nhiệt, vui vẻ. Trong âm nhạc, anh xem tác phẩm của bạn bè cũng như của mình và phần phối khí của anh đã nâng cánh cho từng tác phẩm, đến hàng ngàn tác phẩm.

Còn nhớ năm 2005, anh bị xuất huyết não, lúc ấy cũng là lúc bao nhiêu hợp đồng làm phim tới tấp đến với anh. Vậy mà anh dấu bệnh, bỏ hợp đồng, cùng Bảo Chấn ra Hà Nội ròng rã một tháng trời làm đạo diễn âm nhạc cho hai đêm nhạc "Lênh đênh biển" của tôi tại Nhà hát Lớn.

Phải nói đây là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời nghệ thuật của tôi. Bao nhiêu bạn bè nghệ sĩ từ đạo diễn, ca sĩ, nhạc công, họa sĩ tài năng đã giúp một cách hào phóng và chí tình. Bảo Phúc nghiến răng để lo lắng từng chút cho chương trình thành công mỹ mãn dù bệnh tật đang hành hạ.

Và sau cơn bạo bệnh, hàng trăm thang thuốc Đông y đã lôi anh ra khỏi địa ngục, sống lại với bạn bè.

Bảo Phúc đã cười và cũng đã khóc bằng những giọt nước mắt cay đắng của một thân phận gặp không biết bao nhiêu trớ trêu của nghịch cảnh. Số phận long đong, thành công đến mà tai nạn cũng theo liền, cả Bảo Phúc và Bảo Chấn, hai anh em đã giúp nhau vượt qua những chướng ngại của cuộc đời một cách nhẹ nhàng. Và vấp ngã lại dấn bước đi lên. Sự song hành của hai anh em Bảo Chấn, Bảo Phúc quả là một hạnh phúc hiếm có.

Đã nhiều lần hạnh phúc đi qua đời anh, và cũng không biết bao nhiêu lần tai họa giáng xuống đời anh. Nhưng lần này thì không còn cơ hội nào qua khỏi. Bạn bè ngậm ngùi tiễn đưa anh. Bảo Phúc - người bạn tài hoa, người nghệ sĩ tài hoa.

Hồng Đăng - một chân dung khác

Cuốn sách “Nhạc sĩ Hồng Đăng - Chân trời gọi nắng”. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Nhạc sĩ Hồng Đăng không chỉ sở hữu gia tài hơn 700 tác phẩm thanh nhạc, trong đó có các ca khúc nổi tiếng như: “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Lênh đênh”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”... ông còn là tác giả của hơn 70 tác phẩm cho điện ảnh và nhiều tác phẩm hợp xướng, thanh xướng kịch, kịch hát, nhạc không lời. Tháng 3 năm nay, kỷ niệm 1 năm ngày mất của nhạc sĩ Hồng Đăng, cuốn sách “Chân trời gọi nắng” đã được xuất bản.

Làm nên sự thú vị của cuốn sách này, có những bài viết của nhạc sĩ Hồng Đăng về bạn bè văn nghệ mà ông thân thiết, có nhiều kỷ niệm. Có bài ông viết độc lập, có bài ông viết chung với vợ - chị Lê Anh Thúy. Nhưng dù viết chung hay viết riêng, tất cả, đều cho thấy cái tình của Hồng Đăng gửi lại.

Tinh hoa Việt xin giới thiệu một “chân dung khác” của nhạc sĩ Hồng Đăng.

T.H.V.

Nhạc sĩ Hồng Đăng