Vu vơ vỉa hè
Tôi có thói quen hay ngồi hàng quán vỉa hè. Thành phố Nam Định - nơi tôi sống - không quá lớn nên nhiều người bán hàng ăn, hàng nước ở vỉa hè nhiều con phố với tôi là những người thân quen, thường gặp.
Bình thường tôi không thấy họ quá quan trọng với mình. Hằng ngày, tùy tâm trạng, hoàn cảnh tôi sẽ sà vào một hàng quán nào đó trong số những “mối” quen. Tôi chỉ nhận ra họ quan trọng, trở thành một phần cuộc sống của mình khi dịch Covid-19 xảy ra. Nhớ khi ấy, theo thói quen, đầu giờ sáng tôi tìm ra quán nước của ông Q. ở ngay cạnh văn phòng. Nơi ấy, thường ngày tôi vẫn ngồi lẫn giữa những anh tài xế taxi ngồi đợi khách; những nhân viên thị trường tranh thủ vào xem sổ sách, những ông cán bộ hưu trí rảnh rỗi, những người vãng lai…, được nghe đủ chuyện hỉ, nộ, ái, ố từ họ.
Ông Q., người mảnh mai, nói cũng nhẹ, đi cũng nhẹ, cười cũng nhẹ; trước khi bán nước chè ở vỉa hè từng là một nhạc công kéo đàn accordion (phong cầm) trong quân đội. Nhưng sáng ấy đến nơi thì không thấy ông. Quán nước hằng ngày vốn rất đông khách của ông giờ chỉ là một khoảng vỉa hè trống hoác.
Hóa ra, dịch Covid-19 lan nhanh, chính quyền thành phố cho tạm dừng nhiều dịch vụ để giảm việc tiếp xúc. Khi ấy, quay xe để thực thi trách nhiệm phòng, chống dịch của mình trong tôi dâng lên cảm giác rất lạ, bâng khuâng, hụt hẫng. Vậy là Covid-19 đã làm cho cuộc sống không thể diễn ra như vẫn thường diễn ra. Không gặp họ, tôi vu vơ nhớ về họ…
Tôi nhớ đến ông T., thường ngày mưu sinh ở vỉa hè vườn hoa Cửa Đông bằng một cái bàn bán nước chè, một chiếc xe máy cà tàng để chạy xe ôm và bộ đồ nghề bơm vá săm xe. Tôi từng ghét ông vì mặt mày lúc nào cũng cau có, nói năng cộc cằn, bặm trợn. Tôi chỉ thay đổi thái độ với ông sau một lần ông ghé vào tai tôi, thểu não: “Thằng con tao nó hư, bị công an bắt. Mày có cách nào giúp nó không?”.
Tất nhiên tôi chẳng giúp gì được bố con ông nhưng bộ dạng đau khổ của ông hôm đó giúp tôi hiểu phần nào cái sự cau có, bặm trợn thường thấy ở ông. Trong một truyện ngắn, nhà văn Nam Cao viết rằng: ''Chao ôi! Đối với những người sống quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương.
Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?''. Thì đấy, giống nhân vật của Nam Cao, ông chủ quán nước kiêm thợ vá săm, chạy xe ôm - người quen của tôi - chẳng cũng đang có một “cái chân đau” đó sao?
Khác ông T., những gì tôi nhớ về bà O. đều là những chuyện vui vẻ. Nhớ lần đầu ghé vào quán nước của bà tôi đã thấy bà nói cười rổn rảng như đã rất quen thân. Nhà vừa sửa được cái khu công trình phụ bà cũng khoe; con gái mới có người yêu bà cũng chia vui luôn kẻo “nguội”. Lạ nhất là thỉnh thoảng lại thấy mấy người, hầu hết là phụ nữ, chạc tuổi bà, vận quân phục bộ đội chỉnh tề, đến ngồi chơi, nói cười rổn rảng. Mỗi lần như vậy, việc bán nước với bà O. không còn quan trọng. Được gặp gỡ, chuyện trò với những vị khách đặc biệt kia mới là điều khiến bà vui. Hỏi ra tôi mới biết bà O. từng là nữ bộ đội Trường Sơn.
Những người vận quân phục thỉnh thoảng ghé vào quán của bà, nói cười rổn rảng một lúc rồi lại đi ấy chính là những đồng đội của của bà ở Trường Sơn năm xưa. Cũng từ bà O. tôi mới biết tỉnh Nam Định có hẳn một Ban liên lạc bộ đội Trường Sơn, có tổ chức ở cả 10/10 huyện, thị trong tỉnh; quy tụ nhiều người từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở Trường Sơn tham gia sinh hoạt.
Các hoạt động của Ban cũng rất ý nghĩa: vận động, quyên góp để ủng hộ, giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nhỏ là thăm hỏi, tặng quà; lớn là hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở hay phối hợp, giúp đỡ các tổ chức, cá nhân trong việc tìm mộ liệt sĩ.
Ban cũng thành lập một đội văn nghệ, lúc rỗi rãi thì luyện tập, có cơ quan, đơn vị nào mời nhân dịp nào đó thì lại tới biểu diễn phục vụ. Một trong những thành viên của Đội văn nghệ chính là bà O. đang bán nước chè đây! Hôm nào không thấy bà ngồi bán, mấy hôm sau gặp lại thế nào tôi cũng được bà ríu rít khoe mới đi biểu diễn ở chỗ này, chỗ nọ, hát bài này, bài kia, lôi cả một tập ảnh ra để “chứng minh”. “Đây là cô đang hát bài “Tiếng đàn Ta lư”, còn đây là đang “Chào em cô gái Lam Hồng”, còn đây là..., đẹp không, đẹp không?”- giọng bà rộn ràng cả ngã tư.
Tôi cũng nhớ đến ông N. và tiệm “bơm vá săm xe” của ông trên đường Trần Phú. Gần 20 năm trước tôi đã thấy ông N. ngồi sửa xe đạp ở đây. Khi đó, dù chưa thân quen nhưng ông đã gây cho tôi cảm giác quý mến, theo nghĩa ông dù già vẫn yêu lao động, chăm chỉ làm việc, ngược hẳn với một gã thanh niên tối tối “hóa trang” thành bộ dạng què quặt, đứng ủ rũ ở ngã tư Cửa Đông xòe tay xin tiền. Đến khuya lại tháo bỏ “đồ nghề”, bước phăm phăm về mấy cái quán ăn ở ngã sáu Năng Tĩnh gọi rượu, gọi thịt. Sau này, khi đã quen thân, tôi ngạc nhiên khi biết ông N. đã ngồi sửa xe đạp ở đây từ năm 1972.
Tôi biết tòa nhà-nơi tôi từng ngồi làm việc được xây dựng khi nào, xưa quan tây, quan ta đã làm việc ở đó ra sao, rồi sau này ai đã từng làm thủ trưởng ở đó, ai trước, ai sau chính là do ông N. kể. Ông thẳng tính, không va chạm với ai nhưng mỗi khi có ai quanh đó nói năng hay làm việc gì đó “càn quấy”, ông tỏ thái độ liền, có khi là một cái lừ mắt, có khi là một câu văng tục. Có lần buổi trưa tôi mời ông đi ăn “cơm bụi”.
Ăn xong ông rút luôn tiền ra trả khiến người mời là tôi không khỏi bối rối. Nhưng cũng có lúc tôi thấy ông hồn nhiên vô cùng. Nhớ có lần vào buổi trưa khi tôi đang một mình ở lại cơ quan, thấy ông đứng ở ngoài vỉa hè gõ cửa phòng. Nhìn qua cửa kính tôi thấy cái đầu bạc trắng của ông cứ ngúc ngắc như đầu con kỳ lân, miệng cười lớn, tay hua hua một điếu thuốc, nhìn y chang trẻ con “nhem nhem” kẹo với bạn. Hóa ra, ai đó cho ông một điếu thuốc thơm và ông muốn dành điếu thuốc đó cho tôi…
Ngược về phía đường Lê Hồng Phong, tôi nhớ đến một quán nước đậu kèm bánh ngọt. Quán đắt khách, chủ quán là một phụ nữ chạc ngoại lục tuần, nhìn rất phúc hậu. Bà luôn chân luôn tay. Tôi đã vài lần ngồi xuống quán nước đậu này.
Bà chủ quán nước chính là nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng “Sự trừng phạt đích đáng” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Văn. Bức ảnh ấy chụp cảnh một nữ dân quân, vai đeo súng đang kéo lê cánh một chiếc máy bay Mỹ trên bãi biển Hải Thịnh (nay là thị trấn Thịnh Long).
Và, người nữ dân quân ấy chính là bà Hà Thị Nhiên - chủ quán nước đậu tôi và nhiều người ở Thành Nam từng nhiều lần ghé vào…