‘Giữ lửa’ nghệ thuật rối nước

PHẠM NGỌC HÀ 05/04/2023 11:13

Loại hình nghệ thuật múa rối nước được quốc tế đánh giá “nhìn là thấy Việt Nam” vẫn đang lặng lẽ đóng góp vào sự phát huy giá trị văn hóa dân tộc qua những buổi biểu diễn trong và ngoài nước phục vụ du khách. Thưởng thức rối nước, người ta quan tâm đặc biệt tới các diễn viên rối và càng thấy sự nỗ lực của những người “giữ lửa” thể hiện sự chung tay lưu giữ, bảo vệ và phát huy nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam.

Đôi tay khéo léo

Về Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội), hỏi ngẫu nhiên một ai đó trong làng cũng có thể nhận được chỉ dẫn đến nhà anh Nguyễn Văn Phi - nghệ nhân duy nhất còn chế tác và tạo hình quân rối của làng. Sinh ra và lớn lên ở quê hương rối nước có truyền thống hơn 300 năm, tuy không phải là nghệ nhân biểu diễn, nhưng những con rối đã gắn liền với anh Phi như duyên phận. Đến bây giờ thấm thoát đã hơn 10 năm, những con rối độc đáo, mộc mạc của phường hiện nay đều do một tay anh chế tác.

Trong căn nhà xưởng với những mảnh gỗ, lọ sơn nhiều màu sắc, anh Phi tỉ mỉ họa lên những nhân vật rối nước. Tạo hình nhân vật rối nước không chỉ cần sự khéo léo, mà cái chính là sự đam mê cháy bỏng với nghề.

Anh Phi chia sẻ, để tạo hình con rối, bước đầu tiên là phải chọn gỗ. Tại phường múa rối nước Đào Thục, toàn bộ con rối đều được tạo hình bằng gỗ sung. Từ đời xưa, các cụ đã truyền lại kinh nghiệm: Gỗ sung nhẹ, ít ngấm nước và khó nứt, vỡ, và ẩn sau đó còn có ý nghĩa là sung túc, sung mãnh. Sau khi chọn được gỗ, người thợ sẽ phác thảo và đẽo gọt thành hình các nhân vật rồi đem đi phơi khô, rồi mới sơn, kẻ mắt, kẻ mũi… tạo thành con rối hoàn chỉnh.

Ðể làm ra những con rối đa dạng, sống động khi biểu diễn ở thủy đình hay các sân khấu rối nước khác, anh Phi đã cất công tìm hiểu những đường nét nhân vật qua việc sưu tầm các con rối cổ mà những người thợ già còn lưu giữ. Việc tạo hình con rối sẽ không một trường lớp nào đào tạo được, bởi cái hồn của nhân vật không phải là khuôn mẫu có sẵn.

Ví như để tạo hình người nông dân thì phải đục đẽo sao cho có hình hài, cốt cách mà ai nhìn vào cũng nhận ra đó là người nông dân. “Người nghệ nhân khi tạo hình con rối không áp đặt khuôn mẫu nào cả: 100 ông quan, 100 anh lính… thì đều có những nét khác nhau”, anh Phi tâm sự.

Khi làm con rối, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi luôn đặt vào đó tâm huyết của mình để làm cho con rối có hồn. Anh không phân biệt bất cứ một nhân vật nào mà coi tất cả những con rối mình tạo ra đều phải mang nét đặc trưng của con người, phải có “phần hồn” mới sống động và giống thực. Cầu kỳ, chăm chút cho từng công đoạn nhưng con rối của người nghệ nhân vẫn mang một nét mộc mạc, chất phác như chính những người nông dân ở Đào Thục. Và đó cũng chính là đặc điểm làm nên nét riêng của con rối nơi đây.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi.

Ngân câu quan họ

Về Đồng Ngư (xã Ngũ Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) xem múa rối nước, không thể không ghé thăm Khu bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu để gặp nghệ nhân Nguyễn Thành Lai - một trong những nghệ nhân dày công lưu giữ và bảo tồn loại hình nghệ thuật này.

Chia sẻ về câu chuyện đến với nghề, anh Lai cho biết từ nhỏ anh đã có niềm đam mê đặc biệt với rối nước, bởi vậy, mặc dù không sinh ra trong gia đình có truyền thống múa rối nước nhưng các buổi biểu diễn của nghệ nhân trong làng, anh đều có mặt. Dần dần, anh thuộc từng tích trò, cách biểu diễn cũng như chế tác con rối và trở thành một trong những thành viên quan trọng trong phường rối nước Đồng Ngư.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thành Lai, rối nước Đồng Ngư ngoài những con rối phổ biến gồm: chú tễu, tứ linh, con trâu... thì còn có những con rối đặc trưng cho văn hóa vùng đất quan họ như: liền anh, liền chị, chiếc thuyền rồng chở liền anh, liền chị, đám cưới chuột... Chính vì vậy, anh rất cẩn thận trong việc chế tác và sáng tạo từng con rối. Mỗi con rối đều mang câu chuyện khác nhau. Khi chế tác, nghệ nhân phải thật chỉn chu, tỉ mỉ và tâm huyết.

Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai.

Con rối Đồng Ngư được chế tác tinh xảo với bộ phận máy phức tạp để có thể di chuyển linh hoạt, đa dạng, thường làm bằng các loại gỗ nhẹ, thớ mịn và không có mấu như gỗ xoan, gỗ duối hay gỗ sung. Điều này làm nên sự khác biệt trong nghệ thuật biểu diễn của làng. Nếu như các phường rối khác thường biểu diễn bằng sào, thì rối nước Đồng Ngư được biểu diễn bằng cả dây lẫn sào, cho phép con rối có thể đi ra xa buồng trò, đến gần với khán giả và thực hiện được nhiều động tác hơn.

Trong màn biểu diễn, các con rối Đồng Ngư phát huy hết công dụng khi diễn tả lại nét văn hóa mời trầu, hát quan họ của người Bắc Ninh. “Khác biệt lớn nhất của rối nước Đồng Ngư so với các phường rối khác trong cả nước đó là lấy câu quan họ để lồng ghép vào tiếng hát cho con rối. Tiêu biểu là tích trò rối dây “Đám cưới chuột”, “Mời trầu"”, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai chia sẻ.

Kết hợp điêu khắc dân gian với cung đình

Cùng với Đào Thục, Đồng Ngư, rối nước làng Rạch (nay có tên là Nam Chấn, thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cũng là một trong những phường rối nước lâu đời ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Đại diện cho thế hệ thứ 7 trong một gia đình có truyền thống múa rối nước, nghệ nhân Phan Văn Mạnh đến với nghề múa rối nước từ khi còn nhỏ.

Ông là một trong số ít những người trong thôn vừa biểu diễn múa rối, vừa trực tiếp chế tác các con rối. Hiện nay, bộ sưu tập con rối của ông đã có hơn 1.000 sản phẩm với chủ đề đa dạng, như: đời sống nông thôn, các trò dân ca, dân vũ, con vật trong tứ linh…

Chia sẻ về công đoạn làm rối, ông bảo quân rối càng hoàn hảo, càng giúp cho kỹ xảo điều khiển nâng cao, khả năng diễn đạt phong phú. Đây chính là biểu hiện cao nhất của cái đẹp trong nghệ thuật múa rối nước. Khi chế tác con rối, ông Mạnh luôn chu đáo đến từng chi tiết.

Với ông, riêng với múa rối nước, tạo hình nhân vật phải được kết hợp hài hòa hai yếu tố: điêu khắc dân gian và điêu khắc cung đình. Ông luôn quan niệm, tạo hình cần theo chuẩn ước lệ “Chân - Thiện - Mỹ” của cha ông xưa như: nữ thì mặt trái xoan, thắt đáy lưng ong, nam mặt vuông chữ điền, răng đen...

Nghệ nhân Phan Văn Mạnh.

Tạo hình rối nước có đặc điểm là thể hiện tính cách nhân vật rõ nét, có chất rối ngây ngô, ngộ nghĩnh. Các tuyến nhân vật múa rối nước đa dạng theo các chủ đề bao quát mọi lĩnh vực cuộc sống đến đời sống tâm linh như: thần linh (bát tiên), linh vật (long, ly, quy, phượng), anh hùng dân tộc và các con người, vật thường ngày của làng quê Việt Nam xưa (con trâu, con gà, nông cụ).

Về màu sắc, nếu như trước kia các nghệ nhân thường dùng sơn màu đỏ, màu hồng diện, màu đen, vàng dòng..., thì hiện nay màu đã đa dạng hơn tuỳ theo bối cảnh thời đại kịch bản. Trang phục con rối hầu hết bó sát vào người vì tạc liền trên một khúc gỗ, ranh giới phân biệt là màu sắc. Nhìn chung con rối nước đều phải giữ nguyên “hồn chất” tươi vui, ngộ nghĩnh, hồn nhiên, hóm hỉnh, hài hước.

Để có một con rối nước hoàn chỉnh phải qua những công đoạn: Nghiên cứu kịch bản - vẽ maket - chọn loại gỗ thích hợp - đục tạo tác con rối theo kích cỡ, hình dáng - phơi khô, làm nhẵn bề mặt con rối - hong sơn ta (loại sơn chống thấm nước giữ độ bền gỗ) – làm phần đế xốp quấn bằng nhiều lớp vải mỏng (vải màn) - phủ sơn ta và phơi khô - thếp bạc, vàng cho con rối hóa trang con rối - lắp máy, dây, sào con rối. Các con rối cao khoảng 30 - 70 cm nhưng phải mất khoảng 4 - 5 tháng để hoàn thành một bộ rối, chưa kể nếu thời tiết ẩm thời gian còn kéo dài hơn vì chờ con rối khô hoàn toàn với 7 - 8 lớp sơn.

Hiện nay ngoài biểu diễn múa rối nước, nghệ nhân Phan Văn Mạnh còn tự làm các con rối bán hàng lưu niệm. Tất cả các con rối đều được ông tự tay vẽ và làm.

PHẠM NGỌC HÀ