[CHUYỆN ẢNH] Cổng đền
Đền là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị Thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh.
Cổng đền còn được gọi là “Nghi môn”. Mỗi cổng đền đều gắn với những câu chuyện lịch sử và kiến trúc. Vì thế, mỗi khi có dịp đến với các ngôi đền, đừng quên dừng lại trước cổng đền…
Đến với Khu di tích lịch sử Đền Hùng ở thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia, được xây dựng trên núi Hùng (còn gọi là núi Cả theo tiếng địa phương hay còn có nhiều tên gọi khác nhau: Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn…).
Toàn bộ Khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hòa trong cảnh thiên nhiên. Từ chân núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng lần lượt các di tích kiến trúc như: Cổng đền; Đền Hạ, Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu), Đền Thượng và Lăng Hùng Vương, Đền Giếng, Đền Tổ mẫu Âu Cơ…
Riêng về cổng Đền Hùng, theo các ghi chép lịch sử, được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Cổng xây kiểu vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc tầng mái trang trí rồng, đắp nổi hai con nghê.
Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sĩ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hổ phù. Giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Còn có người dịch là “Cao sơn cảnh hạnh” (Đức lớn như núi cao).
Trong khi đó, Đền An Dương Vương (thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) được khởi dựng vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.
Đền có hai nghi môn là Nghi môn ngoại và Nghi môn nội. Nghi môn ngoại được xây dựng bằng gạch mộc, hình thức như một cổng thành có hai tầng, tầng dưới là 3 cửa đi, được xây kiểu cuốn vòm, tầng trên thu gọn dưới dạng vọng lâu 2 tầng 8 mái.
Lối lên cửa giữa có đôi rồng đá lớn ở hai bên thành bậc cửa được tạo tác năm 1732. Qua Nghi môn ngoại là sân rồng hạ lát gạch Bát Tràng, giữa sân có một con đường lát đá chạy thẳng đến cửa chính Nghi môn nội.