Agribank góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thủy sản Việt
Trong những năm qua, ngành thủy sản nước ta luôn là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và đạt được những bước phát triển khả quan, đặc biệt năm 2022, ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng cao 23,6%, xuất khẩu thủy sản đạt thành tựu tăng trưởng vượt bậc, lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD. Tuy nhiên, bước vào năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát gia tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, đã đưa ra những dự báo ngành thủy sản sẽ đối mặt với một năm đầy thách thức…
Nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản vẫn là ngành hàng quan trọng và chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới, nhưng làm sao để ngành phát triển bền vững là vấn đề cần quan tâm. Đâu sẽ động lực mới cho thủy sản tăng trưởng sau 3 thập niên phát triển liên tục với tốc độ cao, thị trường mới hay sản phẩm mới? Nhằm cùng với các cấp Bộ, Ngành, địa phương đưa ra những giải pháp khả thi phát triển bền vững ngành thủy sản, Agribank đã thực hiện nhiều hoạt động cụ thể trong đó có hoạt động đồng hành cùng diễn đàn “Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: khai thác bền vững – đẩy mạnh nuôi trồng” do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 2022.
Trong chuỗi hoạt động xuyên suốt của diễn đàn, Agribank đã đồng hành với báo Tuổi trẻ và các Bộ, Ban, Ngành tổ chức các hội thảo: “Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới” vào tháng 10/2022 tại Sóc Trăng; Hội thảo “Nghề nuôi biển - Chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại” tại Bình Định vào tháng 2/2023. Mới đây nhất ngày 31/3/2023, “Hội thảo phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt” đã được diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu.
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Thuỷ sản, VASEP, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lãnh đạo một số địa phương, Sở NN&PTNT, Chi cục Thuỷ sản các tỉnh, thành nuôi trồng chế biến thủy sản, các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thuỷ sản toàn quốc và ngân hàng Agribank đã cùng nhau thảo luận các giải pháp nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt Nam.
Tại Hội thảo, các giải pháp về công nghệ nuôi trồng, chế biến sâu, vấn đề môi trường, thị trường, vốn, vấn đề liên kết, kết nối, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm thủy sản, xây dựng chuỗi liên kết đủ chuẩn quốc tế... đã được các đại biểu quan tâm, chia sẻ.
Agribank là một trong những ngân hàng thương mại thủy chung với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Agribank vẫn luôn tích cực cùng người dân tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất nông nghiệp. Agribank thường xuyên dành trên 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển “Tam nông”, trong tổng dư nợ trên 1,45 triệu tỷ đồng năm 2022. Trong đó, tổng dư nợ ngành thủy sản tại Agribank tính đến 31/12/2022 là trên 40 nghìn tỷ đồng tập trung vào khai thác nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống thủy sản, cụ thể là đầu tư nuôi tôm, cá tra, cá basa, cua; khai thác cá ngừ, các loại thủy sản biển khác…
Dư nợ ngành thủy sản tại Agribank tăng trưởng đều đặn qua các năm, đặc biệt trong giai đoạn 2020 - 2023, điều đó cho thấy Agribank đã nỗ lực cùng các cấp các ngành tháo gỡ những khó khăn để khơi thông nguồn vốn tín dụng của ngân hàng tới khách hàng trong lĩnh vực thủy hải sản vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, môi trường ô nhiễm, được mùa rớt giá... Agribank sở hữu hệ thống mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch phủ khắp đất nước, xuống tận xã, phường, thị trấn và huyện đảo. Các cán bộ tín dụng đã bám sát địa bàn, gặp gỡ trực tiếp với ngư dân có nhu cầu vay vốn, nhiệt tình hướng dẫn thủ tục, hồ sơ một cách nhanh gọn, đồng hành cùng khách hàng trong quá trình sử dụng nguồn vốn trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Agribank luôn có đủ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển cho các dự án nông nghiệp xanh, các dự án đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển bền vững, trong đó có các dự án về thủy hải sản... Nguồn vốn tín dụng của Agribank dành cho lĩnh vực thủy hải sản chủ yếu tập trung ở nhóm khách hàng cá nhân, bởi lẽ khách hàng cá nhân quy mô vay nhỏ, rủi ro không tập trung nên, nên nếu xảy ra thiệt hại với một số vùng thì rủi ro không lớn đối với ngân hàng thương mại, trong khi đó doanh nghiệp sản suất lớn, rủi ro tập trung cao, quản trị rủi ro trong quá trình sản xuất chưa được giải quyết một cách triệt để.
Cụ thể: Dư nợ cho vay ngành thủy sản đối với khách hàng doanh nghiệp của Agribank là: 1.506 tỷ đồng (chiếm 3,7%/tổng dư nợ cho vay ngành thủy sản), dư nợ cho vay khách hàng cá nhân là: 38.729 tỷ đồng (chiếm 96,3%/tổng dư nợ cho vay ngành thủy sản).
Dư nợ ngành thủy sản của Agribank tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ (chiếm 56%), Duyên hải Miền Trung (18%) và phân bổ đều ở một số khu vực khác (Khu 4 cũ, Đồng bằng sông Hồng, TP HCM và các khu vực khác). Agribank đã đồng hành, thủy chung với nhiều doanh nghiệp thủy sản tại Kiên Giang (Công ty TNHH Huy Nam, Công ty TNHH MTV Long Phú), tại An Giang (Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản P&H, Công ty CP XNK Thủy sản An Mỹ), tại Cà Mau (Công ty TNHH MTV Quốc Đạt, Công ty Cổ phần Camimex), tại Bạc Liêu (Công ty TNHH thủy sản Thái Minh Long, Công ty TNHH chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Trang Khanh)...
Để ngành thủy sản nói riêng và nông nghiệp phát triển bền vững, khâu nuôi trồng và chế biến các sản phẩm nông nghiệp cần đảm bảo những yếu tố khắt khe về môi trường, con giống, thức ăn, chế biến và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm... Agribank không ngần ngại đầu tư lớn cho những dự án nông nghiệp xanh, trong đó có các dự án thủy sản, tiêu biểu như: Dự án nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi bò sữa tại Ninh Thuận (doanh số cho vay hơn 3.700 tỷ đồng); các Dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi sạch tại Tỉnh Hà Nam (doanh số cho vay gần 5.000 tỷ đồng); các Dự án chế biến thủy, hải sản tại Hải Phòng, Kiên Giang (doanh số cho vay của Agribank trên 3.500 tỷ đồng).
Nhằm góp phần đưa đất nước thực sự mạnh về kinh tế biển, Agribank trong nhiều năm qua đã và đang triển khai nhiều giải pháp để cùng hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế biển, hiện thực hóa các mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, thông qua cho vay phát triển thủy sản, đồng hành cùng ngư dân cả nước triển khai nhiều hoạt động hướng về biển đảo quê hương. Từ tiên phong, nghiêm túc triển khai chủ trương của Đảng về chiến lược biển Việt Nam và chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, Agribank cùng hệ thống chính trị đã tạo điều kiện, mở ra cơ hội thuận lợi để ngư dân cả nước có đủ năng lực vươn ra khơi xa đánh bắt thủy sản, làm giàu từ biển, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng và lợi thế to lớn về biển, với diện tích biển gấp ba lần diện tích đất liền. Trong thời gian tới, để khai thác tối đa tiềm năng về phát triển kinh tế biển của đất nước và để ngành thủy hải sản tiếp tục đạt được những dấu mốc phát triển quan trọng, bền vững, thu hút được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong đó có các ngân hàng thương mại thì những rủi ro trong lĩnh vực này cần được giảm thiểu (về môi trường, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm…).
Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến quy hoạch vùng sản xuất, phát triển cụm công nghiệp kinh tế biển, có cơ chế thu hút nhà đầu tư cho hạ tầng, đảm bảo môi trường nuôi trồng đồng nhất, thu hút các nhà đầu tư về thức ăn, sơ chế, chế biến… Từ đó tạo nên mô hình khép kín, các dự án sẽ được sự quan tâm bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm, theo đó, nguồn vốn của các ngân hàng thương mại dành cho lĩnh vực thủy sản sẽ tiếp tục được khơi thông. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, luật phù hợp đối với khai thác mặt nước, có giấy chứng nhận khai thác mặt nước cho các nhà đầu tư dài hạn để làm tiền đề hình thành những cụm kinh tế biển, thu hút du lịch, đầu tư, khai thác và các dịch vụ đi kèm…