Quan tâm nhiều hơn tới trẻ vị thành niên
Độ tuổi vị thành niên nếu không được quan tâm và trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản, trẻ có thể gặp phải những nguy cơ ảnh hưởng lâu dài tới tâm lý và sức khỏe.
Hệ lụy từ thiếu hiểu biết
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa tiếp nhận và đỡ đẻ cho thai phụ mới 13 tuổi. Thai phụ được chuyển từ tuyến dưới lên và đã sinh thường. GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Đây là sản phụ nhỏ tuổi nhất tại bệnh viện. Do cháu bé không thăm khám thai định kỳ, không rõ mang thai từ lúc nào nên không xác định được thai nhi bao nhiêu tuần. May mắn, sản phụ nhỏ tuổi chuyển dạ thuận lợi, sinh thường bé gái nặng 2,9kg. Sau sinh, sức khỏe 2 mẹ con bình thường và đã ra viện.
Đáng nói hơn, thời gian qua, không ít trường hợp trẻ vị thành niên mang thai và sinh con. Trước đó, UBND huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cho biết, chính quyền địa phương tiếp nhận vụ việc một bé gái chưa đủ 13 tuổi (ở xã An Bá, huyện Sơn Động) sinh con.
Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai trong tổng số người mang thai tăng liên tục qua các năm. Năm 2010 là 2,9%, năm 2011 là 3,1%, năm 2012 là 3,2%. Tương ứng, tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi này lần lượt là 2,2%, 2,4% và 2,3%.
Các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với các trẻ gái 15 - 19 tuổi. Nguyên nhân của tình trạng này, theo các chuyên gia y tế, đó là do trẻ dậy thì sớm, và trẻ quan hệ tình dục sớm.
TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: Độ tuổi vị thành niên là những trẻ từ 10 - 19 tuổi. Việc trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục sớm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do tò mò ở lứa tuổi dậy thì… Nếu thiếu ý thức làm chủ bản thân, không thể tự kiềm chế, các em có thể vượt quá giới hạn, quan hệ tình dục quá sớm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và sinh lý ở tuổi trưởng thành.
Cần quan tâm nhiều hơn đến trẻ
BS Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em cho biết: Kết quả khảo sát của Chương trình sức khỏe vị thành niên tại Việt Nam do Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện công bố cho thấy: Tỷ lệ học sinh quan hệ tình dục trước 14 tuổi là 1,48% năm 2013 và tăng lên 3,51% năm 2019. Mỗi năm, có thêm 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên. Tỷ lệ trẻ quan hệ tình dục sớm ngày càng tăng là một thực trạng xã hội vô cùng đáng báo động. Đáng nói, thực trạng này đã kéo dài gần 20 năm nay thế nhưng chưa có giải pháp đồng bộ, cụ thể và quyết liệt”.
Cũng theo chuyên gia, trẻ vị thành niên chưa đủ kiến thức và hiểu biết cách giữ gìn, do đó, quan hệ tình dục thiếu an toàn gây hậu quả bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc mang thai ngoài ý muốn. Đặc biệt, hậu quả của việc mang thai sớm ở tuổi vị thành niên rất nặng nề đối với sức khỏe thể chất
“Cơ thể trẻ chưa phát triển đầy đủ cho việc mang thai. Do vậy, dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén. Khi trẻ đã mang thai, vấn đề giữ thai để làm mẹ hoặc nạo phá đều ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Đồng thời, trẻ bị tước bỏ cơ hội học, phát triển bản thân, nguy cơ vô sinh thứ phát mất đi cơ hội làm mẹ sau này. Thậm chí, có thể tử vong do mất máu, nhiễm trùng...” - BS An cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Duy Ánh cũng cảnh báo: Quá trình mang thai sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, việc học và cuộc sống khi trẻ chưa chuẩn bị và sẵn sàng để làm mẹ. Khi mang thai ở giai đoạn này, trẻ thường giấu cha mẹ. Do đó, trẻ sẽ không được chăm sóc sản khoa tốt nhất. Tình trạng này có thể dẫn đến việc không phát hiện bất thường, ảnh hưởng đến mẹ và bé sau này. Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất khi mang thai ở độ tuổi còn quá trẻ là nguy cơ sảy thai, phá thai hoặc nếu sinh con rất dễ bị dị tật. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ và thậm chí là gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội.
Khi con ở tuổi vị thành niên, cha mẹ cần quan tâm, dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với trẻ. Cha mẹ và nhà trường cần phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính. Từ đó, giúp trẻ có kiến thức và nhận thức đúng đắn. Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.