Gỡ khó để xây nhà ở giá rẻ
Ngày 3/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 388 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đề án nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đề án cũng xác định đến năm 2030, các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn hộ. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Đây là mục tiêu lớn, đòi hỏi quyết tâm rất cao của Trung ương và địa phương, sự đồng thuận vào cuộc của doanh nghiệp, hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp của ngân hàng.
Trước hết đó là việc địa phương tạo quỹ đất để xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Ở đây, vai trò của UBND các tỉnh, thành phố là rất lớn trong chủ trương dành đất khi lập, phê duyệt quy hoạch. Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cần xác định rõ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn cấp tỉnh và cấp huyện; chứ không phải chỉ dành đất cho nhà ở thương mại bán với giá cao mà người thu nhập trung bình, thu nhập thấp, công nhân không thể có khả năng chi trả.
Tiếp đó, về tín dụng, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gồm 2 nhóm đối tượng thụ hưởng. Một là doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội và hai là người lao động. Cả hai nhóm đối tượng này cần được ngân hàng hỗ trợ lãi suất, nếu vẫn tính mức lãi suất vay “sòng phẳng” thì sẽ không đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra.
Cùng với việc bổ sung thêm vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương, Chính phủ đã có chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank). Đây là chính sách được cho là phù hợp trong tình hình hiện nay cũng như lâu dài.
Nhiều tính toán cho thấy với thu nhập ở thời điểm hiện tại, một đôi vợ chồng công nhân muốn mua được một căn nhà ở xã hội giá rẻ phải tích lũy từ 30 năm đến hơn 40 năm (tùy theo diện tích, vị trí và với giá bình quân hiện thời từ 15 đến 17 triệu đồng/m2). Muốn mua được nhà thì phải đi vay, mà nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi là vô cùng quan trọng.
Được biết, để đảm bảo mục tiêu đến năm 2030 phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hộ cần khoảng 849.500 tỷ đồng. Do vậy ưu tiên tín dụng có thể nói là vấn đề mấu chốt.
Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện cả nước có hơn 392 khu công nghiệp, trong đó có 286 khu công nghiệp hoạt động với tổng diện tích đất lên đến hơn 85.000 ha, tập trung rất đông lao động. Nhưng theo số liệu của Bộ Xây dựng, các địa phương cũng mới chỉ dành được khoảng 600ha để làm nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp. Đến nay cả nước có 253 dự án nhà ở dành cho công nhân, nhưng cũng mới chỉ có 112 dự án hoàn thành.
Thực tế cho thấy, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đối diện với hàng loạt khó khăn về quỹ đất, về vốn vay, về cơ chế chính sách… Có thể nêu ví dụ, tỉnh Đồng Nai có tới 1,2 triệu lao động làm việc trong và ngoài khu công nghiệp, nhu cầu nhà ở xã hội cần khoảng 150.000 căn. Mục tiêu đến năm 2025 địa phương này sẽ phát triển đạt khoảng 116.000 căn nhưng đến nay cũng chỉ xây được vài nghìn căn.
Còn nhớ, trong báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ đối với Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", Bộ Xây dựng cho rằng: Vấn đề khó đối với mục tiêu này là nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn vẫn chỉ tập trung vào phát triển các khu đô thị, nhà ở, khu nghỉ dưỡng cao cấp chứ chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và cho công nhân khu công nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có đông công nhân trong các khu công nghiệp cũng chưa quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.
Như vậy, nguyên nhân vì sao khó phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã được nhận diện. Quyết định 388 của Thủ tướng Chính phủ mới đây đã gỡ khó một cách cơ bản. Hy vọng rồi đây những khu nhà ở giá thấp cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp, công nhân, người lao động sẽ nhanh chóng thành hình.