Trong khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng
Ngày 4/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo trong năm 2023 và 2024”. Theo ADB, sau kết quả ấn tượng trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 dự báo ở mức 6,5% trong năm 2023 và tăng lên 6,8% trong năm 2024.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết, suy thoái kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong năm 2023. Tuy nhiên, Việt Nam đã có sự tăng trưởng rất tốt trong năm 2022 - một năm đầy khó khăn vẫn tăng trưởng tới 8,02% sẽ là cơ sở để tiếp tục vượt khó trong năm nay và năm sau.
“ADB vẫn giữ nguyên lòng tin vào sự phát triển của Việt Nam”
Theo ADB, trong năm 2022, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng, với mức tăng gần như mạnh nhất trong khu vực châu Á. Điều này đạt được là do 2 yếu tố chính, đó là tăng trưởng tương đối đồng đều trên tất cả các cực tăng trưởng, đặc biệt là thương mại, đầu tư và tiêu dùng trong nước; cùng với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định khi Việt Nam thực hiện linh hoạt chính sách tiền tệ.
Ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia Kinh tế trưởng ADB cho biết, năm 2023 Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% như Chính phủ đã đề ra. Ông Cường cũng cho rằng để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần có 3 đột phá chính. Thứ nhất là đầu tư công. Theo kế hoạch Việt Nam sẽ giải ngân tương đương gần 30 tỷ USD, có thể góp 1% vào mức tăng trưởng GDP nói chung. Thứ hai là việc chuyển hướng chính sách của Việt Nam từ thắt chặt kiểm soát lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng. Và thứ ba, sự mở cửa của Trung Quốc cũng sẽ làm gia tăng triển vọng kinh tế khu vực, trong đó có Việt Nam.
“Trong bối cảnh này ADB vẫn giữ nguyên lòng tin vào sự phát triển của Việt Nam” - ông Andrew Jeffries nói và cho biết hiện ADB đang có dự án đầu tư tại một số ngân hàng của Việt Nam “và đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy những rủi ro nào mang tính hệ thống. ADB luôn sẵn sàng đưa ra các khoản vay để hỗ trợ Việt Nam, và tôi nghĩ các đối tác phát triển lớn khác của Việt Nam cũng có chung quan điểm này".
Tại Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á Cập nhật công bố hôm 21/9/2022, dù trước nhiều khó khăn nhưng ADB vẫn giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với GDP tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. So với một số nước, kể cả những nước phục hồi và tăng trưởng tốt, nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô không ổn định và chắc chắn như Việt Nam. "Đây chính là lý do xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở châu Á - Thái Bình dương được nâng cấp trong khi các nền kinh tế khác hoặc bị hạ xuống hoặc giữ nguyên" - nhận xét của ADB.
Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển
Cùng với ADB, một số định chế tài chính quốc tế khác cũng chung nhận định khả quan tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB). Tại báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 3/2023 với chủ đề “Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng”, các chuyên gia WB nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ ở mức 6,3% trong năm 2023. Bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam gặp khó khăn ở quý I/2023 nhưng sẽ dần được cải thiện từ quý II và 2 năm tiếp theo (2024-2025, với dự báo tăng trưởng lên mức 6,5% mỗi năm). Cùng với sự cải thiện về tăng trưởng GDP, theo WB, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam năm 2023 có thể ở mức 4,5% và sẽ giảm dần xuống mức 3,5% vào năm 2024 và 3% vào năm 2025.
Cũng theo WB, khu vực dịch vụ của Việt Nam đang có đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế đồng thời thu hút ngày càng nhiều lao động và năng suất lao động.
“Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, không như nhiều quốc gia khác. Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Ngoài ra, chính sách tài khóa và tiền tệ đồng bộ đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế, và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả” - bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận xét.
Cách đây chưa lâu, tờ The Korea Herald (Hàn Quốc) đã phỏng vấn ông Kim Jong-seok, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Securities Việt Nam có trụ sở tại Seoul, đánh giá về thị trường vốn và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Theo ông Kim, hiện tại Việt Nam chỉ có khoảng 37% người sống ở các thành phố, nhưng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ được đẩy nhanh hơn khi quá trình đô thị hóa dẫn đến tăng trưởng thu nhập. “Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 7.500 USD vào năm 2030 và như vậy sẽ thúc đẩy gia tăng mạnh tầng lớp trung lưu” - ông Kim nói.
Tại báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng 2023”, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng 6,47%; lạm phát bình quân 4,08%; tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại là 5,64 tỉ USD. Kịch bản 2: Tích cực hơn khi tăng năng suất lao động, tăng trưởng GDP đạt 6,83%; lạm phát 3,69%; tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại 8,15 tỉ USD.
Ngày 3/4, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng năm 2023. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị). Kịch bản 2, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, thì tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7% (quý I chỉ đạt 3,32%), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9%.
Với 2 kịch bản đưa ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%.