Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025: Hóa giải thách thức
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Giới chuyên gia đánh giá, để đạt được mục tiêu này, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp phải hóa giải nhiều thách thức.

Ngày 31/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP năm 2023 ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu của Nghị quyết là phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp (DN) và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN; tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%; nhiều DN tư nhân tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...
Mục tiêu đặt ra là vậy, và thực tế nhà quản lý cũng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, chỉ nhìn ngay quý I/2023 số DN gia nhập thị trường và số DN rời khỏi thị trường thực sự đáng suy ngẫm. Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhận định, hiện cả nước mới có hơn 786.000 DN tư nhân, con số này không những không đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 mà còn cách rất xa con số mong muốn, 1,5 triệu vào năm 2025. Theo ông Lực, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang trong hành trình tiến tới trở thành động lực của nền kinh tế, chứ chưa thực sự là động lực. Do đó, mục tiêu đề ra thực sự có nhiều thách thức. Vị chuyên gia này nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng giảm, quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về năng lực cạnh tranh, luôn thiếu vốn, chưa chú trọng đầu tư công nghệ, tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh còn phổ biến… là những rào cản trong khu vực kinh tế tư nhân hiện nay.
Từ đó, ông Lực cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ phía nhà quản lý và cả tự thân DN. Về phía cơ quan quản lý, cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách để khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành DN...
Với DN, vị chuyên gia khuyến cáo, cần quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa DN, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao năng lực quản trị DN, quản trị rủi ro trong bối cảnh môi trường kinh doanh đầy biến động; chủ động hợp tác, liên kết, tham gia và chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực.
Đồng quan điểm, TS. Phan Hoàng Tuấn - Ủy viên BCH Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, các DN hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, áp lực đến từ tài chính. Bởi vậy, Chính phủ cần thúc đẩy giải pháp tăng cường hỗ trợ tài chính cho các DN; cung cấp các gói hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, thúc đẩy thủ tục giải ngân nhanh chóng, giúp DN giảm áp lực tài chính. Cùng với đó, tăng cường giám sát và điều tiết về tín dụng để tránh rủi ro tài chính cho toàn thị trường nói chung và cho DN nói riêng.
Doanh nghiệp cần được gỡ khó về vốn
Theo ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa: Hiện nay, công tác thẩm định tài sản thế chấp của các DN tư nhân khi thực hiện vay vốn còn chưa kịp thời, kéo dài thời gian giải ngân khiến DN bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh. Việc DN thực hiện thủ tục đăng ký biến động tài sản trên đất cũng gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các đơn vị, sở ngành chức năng, DN khó vay được vốn theo đúng giá trị tài sản hiện có. Do đó hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng cần thường xuyên rà soát, gỡ khó cho DN khi tiếp cận vốn.