Loạn 'danh xưng' nghệ sĩ
Tưởng như các danh xưng “ông hoàng, bà chúa”… chỉ xuất hiện trên các bộ phim cổ trang, thế nhưng nhiều nghệ sĩ đã tự gắn mác mình với những ngôi vị cao quý nhằm đánh bóng tên tuổi, bất chấp dư luận có dậy sóng hay không.
Ảo tưởng sức mạnh
Với sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí, giới showbiz Việt Nam đã và đang đón nhận sự “đổ bộ” rầm rộ của các trào lưu văn hóa khắp nơi trên thế giới. Công chúng đã không còn bất ngờ với những cái tên “ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng, “nữ hoàng giải trí” Hồ Ngọc Hà, “vua nhạc sến” Ngọc Sơn, “nữ hoàng phòng trà” Lệ Quyên, “nữ hoàng khiêu vũ” Khánh Thi… Đó còn chưa kể vô số những danh xưng hoàng tử tình ca, hoàng tử nhạc Pop, vua nhạc sàn… rồi đến nữ hoàng giải trí, ngọc nữ bolero thậm chí cả nữ hoàng dao kéo... cũng được thế giới showbiz tôn lên, và khán giả, dư luận xã hội nghe mãi thành quen. Tuy nhiên, với những người trong ngành, chắc chắn sẽ phải đặt câu hỏi: Những “ông hoàng, bà chúa” ấy đã có công hiến gì để được tôn vinh lên “ngôi vị” cao sang như vậy?
Mới đây, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã một lần nữa làm dư luận xã hội “dậy sóng” khi công bố dự án phim “Hào quang rực rỡ - The King”. Phim do cặp đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito thực hiện, thuộc dòng phim tiểu sử, tái hiện cuộc đời nhiều thăng trầm và hành trình 25 năm trong sự nghiệp ca hát của Đàm Vĩnh Hưng. Thế nhưng, dù mới chỉ trong giai đoạn khởi động phim những đã vướng phải những “lùm xùm” khi tên phim có chữ “The King” (vua). Bất ngờ hơn, trong buổi ra mắt, nam ca sĩ này còn khá trịnh thượng khi xuất hiện trong hình ảnh một “ông vua” ngồi trên ngai vàng. Ngay lập tức dư luận xã hội đã dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ. Nhiều ý kiến cho rằng, ca sĩ này quá lộng ngôn, háo danh. Ngay sau đó, nam ca sĩ đã phải xóa bỏ từ “The King” trong tên phim và không dám tự xưng là “ông hoàng nhạc Việt” hay vua, chúa nữa. Trước đó, với danh xưng “ông hoàng nhạc Việt” nam ca sĩ này từng khiến dư luận bất bình khi có nhiều phát ngôn “không biết trên dưới” với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, ca sĩ Thanh Lam, nhạc sĩ Ngọc Đại… Chưa hết, nam ca sĩ còn từng tuyên bố bố hùng hồn với khí khái của một “ông hoàng”: “Đàm Vĩnh Hưng là vùng đất cấm, không ai có thể động được vào”…
Trả lại giá trị thật
Có thể nói, việc “loạn ngôn” hay tự nhận cho mình một danh xưng cao sang không phải là điều gì quá lạ lẫm trong làng giải trí Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, những danh xưng đó là cách giới nghệ sĩ tự quảng cáo hình ảnh cho nhau một cái thái quá, thậm chí là sống sượng. Và khi đến mức không thể chấp nhận được nữa, tất yếu sẽ nhận được sự phản ứng của dư luận xã hội. Và sự việc về bộ phim của Đàm Vĩnh Hưng là một ví dụ.
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh thị trường giải trí sôi động như hiện nay, để cạnh tranh, các nghệ sĩ luôn phải xây dựng tên tuổi để tạo dấu ấn trong khán giả. Điều này dẫn đến việc họ phải rất nỗ lực, kể cả việc tạo ra các chiêu trò nhằm thu hút sự quan tâm của truyền thông, dư luận để tạo thương hiệu. Sự lộn xộn này được tiếp thêm sức mạnh bởi những chia sẻ, tung hô trên mạng xã hội, tạo ra những vầng hào quang giả tạo. Cũng theo ông Sơn, những danh xưng tự phong có ảnh hưởng tiêu cực đến sự giáo dục đạo đức, nhân cách trong xã hội, đặc biệt khi đó lại là những nghệ sĩ nổi tiếng, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Những hành vi, cử chỉ, lời nói của họ ít nhiều sẽ tác động ngay lập tức đến một bộ phận khán giả, nhất là giới trẻ hiện nay. Chính vì thế, giới nghệ sĩ cần đảm bảo rằng các tác phẩm của họ được đánh giá dựa trên giá trị nghệ thuật thực sự, chứ không phải chỉ vì danh xưng hoặc các chiêu trò quảng cáo. “Việc sử dụng các danh xưng không xứng đáng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực, chẳng hạn như khuyến khích các hành vi bạo lực, thiếu tôn trọng đối với những giá trị đạo đức, hay làm giảm giá trị của tác phẩm nghệ thuật” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Thực tế, không phải nghệ sĩ nào cũng có thể tiếp nhận những danh xưng “ông hoàng, bà chúa” do khán giả yêu mến họ trao tặng. Thậm chí nhiều người còn cảm thấy “dị ứng” khi được trao những danh hiệu mỹ miều này. NSND Thanh Hoa từng tâm sự: “Có một dạo người ta nói tôi là “nữ hoàng nhạc đồng quê”, tôi bảo “thôi tha cho tôi, tôi chẳng cần danh hiệu nào cả, tôi chỉ là danh ca Thanh Hoa tức là người hát có danh tiếng, thế là được”.
Ca sĩ Trọng Tấn cũng đã từng “tá hỏa” khi được gắn tên là “ông hoàng nhạc đỏ” trên áp phích một chương trình nghệ thuật. Ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ, từ trước đến nay, ở Việt Nam chỉ tồn tại hai danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và Nghệ sĩ nhân dân được công nhận và phong tặng như một sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp, cống hiến dành cho nghệ sĩ. Tất cả danh xưng khác đều do truyền thông và công chúng mến mộ dựa vào sự cảm tính, đánh giá cá nhân.
Thực tế này cũng đặt ra nhiều vấn đề, nhằm chấn chỉnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm tạo ra những quy chuẩn đối với các nghệ sĩ. Tuy nhiên, hình thức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe dẫn đến nhiều nghệ sĩ “nhờn luật”, vẫn thản nhiên xưng danh và quảng cáo bản thân một cách thái quá, sẵn sàng bất chấp dư luận để tạo scandal…
Thiết nghĩ, danh xưng nào cũng chỉ có ý nghĩa khi xã hội dành cho nó sự tôn trọng. Mỗi cá nhân khi vinh dự được nhận danh xưng “nghệ sĩ” thì cần phải ý thức được trách nhiệm với những gì đang công hiến cho khán giả. Nghệ sĩ không chỉ làm nghề để mưu sinh, mà còn là người mang sứ mệnh cống hiến nghệ thuật, cái đẹp cho cuộc sống. Do đó, nghệ sĩ giữ gìn sự cao quý cho danh xưng, cũng chính là tôn trọng bản thân mình.