Di dời hơn 1.000 hộ dân để làm cao tốc: Thành công từ sự đồng thuận
Tỉnh Quảng Ngãi đã và đang khẩn trương thực hiện tái định cư cho người dân vùng dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh. Sẽ có hơn 1.000 hộ dân di dời đến nơi ở mới. Đáng mừng là công việc đang được triển khai thuận lợi. Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư; ưu tiên hoàn thành các hạng mục san nền, cơ sở hạ tầng đảm bảo đủ điều kiện tổ chức bốc thăm phân lô cho các hộ dân trong tháng 4/2023.
Dự án cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, giai đoạn 2021-2025 có chiều dài 88km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km. Hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó hơn 1.000 hộ dân phải di dời, tái định cư (TĐC). Tỉnh Quảng Ngãi tập trung xây dựng 23 khu TĐC để di dời dân, cùng với đó đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án này.
Chậm nhất ngày 30/4 bàn giao mặt bằng
Riêng tại thị xã Đức Phổ có 11 trong số 23 khu TĐC thì đến nay đã phê duyệt 11 phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC cho hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng. Hay như huyện Nghĩa Hành có 6 xã trong vùng dự án đến nay huyện đã bàn giao mặt bằng sạch 6 khu TĐC cho chủ đầu tư. Chính quyền địa phương đã khẩn trương phối hợp các đơn vị phân lô, bốc thăm làm một cách công khai nên đã tạo được sự đồng thuận khi di dời người dân về nơi ở mới.
Ngày 4/4, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Quốc Đạt - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến thời điểm này đã bàn giao mặt bằng 23/23 khu TĐC, 17/17 điểm cải táng mồ mả cho các nhà thầu thi công. Các đơn vị, địa phương chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu TĐC; ưu tiên hoàn thành các hạng mục san nền, cơ sở hạ tầng đảm bảo đủ điều kiện tổ chức bốc thăm phân lô cho các hộ dân trong tháng 4/2023.
Song song với việc TĐC, công tác GPMB cũng đang được đẩy mạnh. “Đến nay đã hoàn thành công tác GPMB khoảng 50,89/60,3km, đạt 84,4%, trong đó chiều dài các đoạn tuyến liên tục đã bàn giao thực địa là 43,453km, trong đó có 38,887km/50,89km đủ điều kiện thi công, đạt 76,4%” - ông Đạt nói.
Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị và chủ thể liên quan tích cực, khẩn trương phối hợp với các địa phương tiếp nhận và bàn giao mặt bằng 100% các khu TĐC để các đơn vị tổ chức thi công đảm bảo đến 30/6/2023 hoàn thành 100% các khu TĐC. Khẩn trương chỉ đạo đơn vị thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng trên phạm vi toàn tuyến, thời gian chậm nhất bàn giao cho đơn vị thi công là 30/4/2023.
Giải thích tường tận, người dân ủng hộ
Để đảm bảo được tiến độ đó, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân có nhà cửa, đất đai bị ảnh hưởng dự án đồng thuận ủng hộ; chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu TĐC, công khai niêm yết phương án bố trí TĐC các hộ dân trước ngày 15/4/2023.
Hiện nay UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các đơn vị trực tiếp thực hiện hoàn thành các thủ tục có liên quan để đảm bảo phê duyệt tất cả các phương án bồi thường, GPMB đối với phần đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở ngay sau khi UBND tỉnh ban hành giá đất cụ thể.
Các cơ quan liên quan và chính quyền cấp xã tích cực hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác bồi thường, GPMB để tháo gỡ, giải quyết các nội dung vướng mắc của các hộ dân, đặc biệt là các nội dung kiến nghị liên quan đến bồi thường, hỗ trợ về đất.
Ông Đinh Xuân Sâm - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết: “Trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi thành lập một tổ để giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến dự án đường cao tốc. Tổ này chủ động ngay từ đầu, vừa theo dõi nắm bắt tình hình, dư luận của người dân và những vấn đề phát sinh, vướng mắc liên quan để kịp thời trao đổi, giải quyết nên được người dân đồng tình ủng hộ”.
Ông Nguyễn Văn Phong (40 tuổi), ở xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, cho biết: “Gia đình tôi có 209m2 đất nhà ở bị ảnh hưởng bởi dự án, để sớm GPMB triển khai dự án, tôi mong được áp giá đền bù thỏa đáng và có chính sách hỗ trợ thêm để người dân đến nơi ở mới được sớm ổn định cuộc sống”.
Còn bà Trương Thời (48 tuổi), ở xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành nói: “Chúng tôi ủng hộ nhưng mong muốn, chính quyền địa phương cần giúp đỡ người dân khi di dời đến khu TĐC, cơ sở hạ tầng phải thuận lợi và các công trình nước sạch, điện đảm bảo để bà con yên tâm sống thoải mái”.
Theo nhiều người dân hai huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, khi Nhà nước triển khai Dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quảng Ngãi đoạn qua địa phương bà con rất vui mừng, phấn khởi, vì tuyến đường sẽ làm thay đổi bộ mặt của địa phương, tạo thuận lợi trong giao thông, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thanh An - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “UBND tỉnh đã báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quảng Ngãi, theo đó, đoạn qua địa bàn tỉnh triển khai dự án kịp thời, đạt tiến độ tốt nên được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đánh giá cao. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, phải xây dựng hoàn thiện các khu TĐC để người dân thuộc diện giải tỏa sớm vào ở để ổn định cuộc sống”.
Tháo gỡ nhiều vướng mắc
Theo ông An, thời gian qua MTTQ các cấp đã phối hợp với các ngành chức năng xuống các cơ sở để nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân nằm trong vùng thuộc Dự án. Cán bộ Mặt trận đến từng nhà dân, lắng nghe dân nên mọi thắc mắc của bà con về các chính sách hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng trong dự án đều được giải thích rõ ràng, minh bạch.
Ngoài ra, MTTQ tổ chức nhiều buổi đối thoại với nhân dân, lấy ý kiến của bà con về chủ trương thực hiện Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, qua đó giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc về đất đai; đồng thời tuyên truyền vận động bà con sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị triển khai dự án.
“Trong quá trình triển khai thi công dự án thì Ban Giám sát đầu tư cộng đồng sẽ giám sát theo các nội dung đã được phê duyệt của dự án. Còn ở cấp xã Mặt trận cùng các hội, đoàn thể thành lập tổ đi vận động từng người dân. Tổ giám sát cộng đồng có nhiệm vụ hướng dẫn, động viên người dân tích cực thực hiện quyền giám sát đầu tư theo quy định của pháp luật, đồng thời xác nhận các văn bản phản ánh, kiến nghị của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trước khi gửi các cơ quan có thẩm quyền” - ông An nhấn mạnh.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Lễ khởi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thấy sự ủng hộ, đồng tình của người dân nơi có dự án đi qua. Bà con sẵn sàng nhường nơi ở, nơi sản xuất gắn bó với mình hàng trăm năm để làm cao tốc.
Dự án cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là hành lang vận tải quan trọng trong kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo tiến độ, không để kéo dài; Không được tăng tổng mức đầu tư, đội vốn; Bảo đảm chất lượng thi công, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra, tham nhũng, tiêu cực; Tuân thủ nghiêm, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra.
Dự án cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km. Hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó hơn 1.000 hộ dân phải di dời, TĐC. Đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến thời điểm này đã bàn giao mặt bằng 23/23 khu TĐC, 17/17 điểm cải táng mồ mả cho các nhà thầu thi công. Các đơn vị, địa phương chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu TĐC; ưu tiên hoàn thành các hạng mục san nền, cơ sở hạ tầng đảm bảo đủ điều kiện tổ chức bốc thăm phân lô cho các hộ dân trong tháng 4/2023.
Cán bộ Mặt trận lắng nghe tất cả tâm tư, nguyện vọng của bà con
Ông Võ Thanh An - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đối với người dân trong vùng Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, bà con mong muốn giá đền bù về nhà cửa, cây cối, hoa màu và vật kiến trúc phải đảm bảo và đúng với mức đền bù trên thị trường; mong muốn UBND tỉnh Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư.
Cán bộ MTTQ đã xuống với dân, lắng nghe tất cả những tâm tư, nguyện vọng của bà con và mọi mắc của người dân đều được giải thích một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch. Mặt trận cũng đã đề nghị các địa phương bố trí quỹ đất để xây dựng khu tái định cư để khi các ngành chức năng đền bù, giải tỏa tới đâu thì đưa người dân vào ở tới đó. Tất cả mọi việc đều được làm khẩn trương, trên tinh thần trách nhiệm cao, qua đó giúp người dân sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.