Đừng để Hợp tác xã 'chết mà không được chôn'
Làm thế nào để Hợp tác xã có thể giải thể được chứ không để hiện trạng Hợp tác xã chết mà không được chôn.
Ngày 5/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, Điều 48 quy định Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã phải nộp phí khi công bố nội dung đăng ký thì chưa thuyết phục.
Ông Lâm phân tích: Bây giờ pháp nhân khi đi đăng ký với cơ quan Nhà nước thì đã nộp phí để được công nhận pháp nhân. Bây giờ còn việc công bố cái này lên thì cơ quan Nhà nước thấy cần phải công bố ra làm sao thì cơ quan Nhà nước có trách nhiệm công bố. Sao lại yêu cầu bắt buộc pháp nhân công bố?.
Thứ hai, theo ông Lâm, cơ quan Nhà nước lại giao cho trung tâm hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký doanh nghiệp quản lý cơ sở dữ liệu này và nêu rằng đây là đơn vị sự nghiệp công lập nên phải nộp phí để người ta quản lý, lưu giữ thông tin. “Cơ quan quản lý Nhà nước và trung tâm này có thể trao đổi dữ liệu cho nhau, trung tâm có thể lấy dữ liệu từ trung tâm đăng ký để công bố. Trung tâm cung cấp dịch vụ cho cơ quan quản lý Nhà nước thì cơ quan quản lý Nhà nước phải trả phí, hay cung cấp cho đơn vị nào khai thác thông tin của hệ thống này thì tổ chức đó phải trả phí. Còn doanh nghiệp, Hợp tác xã đăng ký vào đây đáng lẽ phải trả phí cho họ thì lại bắt họ trả phí nuôi các anh. Cái này tôi thấy cái lý không thuyết phục”-ông Lâm nêu.
Để đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thủ tục, giảm chi phí cho doanh nghiệp, Hợp tác xã, sau này doanh nghiệp sau này tiến tới không có chuyện nộp phí để lưu thông tin dữ liệu của chủ thể kinh doanh, sau này các anh lại còn kinh doanh trên cơ sở dữ liệu đấy.
Cũng theo ông Lâm, tại điều 96 về giải thể tổ chức kinh tế hợp tác có 2 mâu thuẫn. Theo đó chỉ được giải thể khi tổ chức thanh toán hết nợ, nghĩa vụ tài chính khác mà không có tranh chấp tại tòa. Trong khi điểm trên tòa có thể ra quyết định giải thể. Như vậy là mâu thuẫn. Làm thế nào để Hợp tác xã có thể giải thể được chứ không để hiện trạng Hợp tác xã chết mà không được chôn. Đây là hiện trạng đặt ra vấn đề giải quyết trong luật này như thế nào? thì đề nghị cần phải nghiên cứu. Có thể chuyển từ nghĩa vụ nợ của pháp nhân đã phá sản sang cá nhân hoặc giải quyết theo thủ tục phá sản khi không còn hoạt động nữa?. “Không nên giới hạn quyền chuyển nhượng mua bán của thành viên hợp tác xã”-ông Lâm nói.
Dự thảo không đặt vấn đề chuyển nhượng vốn góp, tránh việc mua bán bổ phần, vốn góp như doanh nghiệp, ông Lâm cho rằng “chưa thuyết phục” vì vốn của các thành viên Hợp tác xã góp là tài sản và quyền tài sản đối với mỗi cá nhân phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể lại bị hạn chế quyền tài sản này không được mua bán chuyển nhượng trong một số điều kiện thì rõ ràng là hạn chế quyền tài sản. Mà nếu hạn chế thì ai còn muốn đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể nữa.
Từ đó ông Lâm cho rằng, chỗ này cần nghiên cứu xem xét thêm. Không nên giới hạn quyền mua bán, chuyển nhượng của các thành viên đóng góp tài sản vào tổ chức. Khi chuyển nhượng này thay đổi tính chất của Hợp tác xã thì yêu cầu bắt buộc chuyển sang mô hình kinh tế khác phù hợp thay vì cấm hạn chế chuyển nhượng, tài sản nhất là chuyển nhượng tài sản cho cá nhân ngoài Hợp tác xã. Lúc đó coi như là kết nạp thành viên mới. Thành viên nhận chuyển nhượng đó chưa phải là xã viên thì việc nhận chuyển nhượng như thủ tục kết nạp thành viên. Quy trình làm sao tương tự kết nạp thành viên mới thì không có gì khó khăn, phức tạp cả. Cho nên đề nghị cần nghiên cứu lại.