Cảnh giác bệnh thủy đậu 'vào mùa'
Theo các chuyên gia y tế, hàng năm Việt Nam ghi nhận hàng chục nghìn ca bệnh thủy đậu kéo dài từ mùa đông sang tháng 3, tháng 4 là đỉnh dịch. Qua số liệu CDC Hà Nội, dịch bệnh đang gia tăng so với hàng năm, tấn công vào cả trường học. Khí hậu thời tiết ẩm ướt hiện nay là điều kiện để bệnh phát triển mạnh.
Nỗi ám ảnh khi giao mùa
Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng có thể diễn biến bất thường nguy hiểm, có nguy cơ biến chứng nặng và gây tử vong ở trẻ em và phụ nữ có thai.
Theo đó, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra, với cao điểm của dịch rơi vào từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Đây là khoảng thời gian giao mùa với độ ẩm không khí cao, diễn biến thời tiết thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây lan.
Con đường lây bệnh là truyền từ người sang người qua cơ chế trực tiếp như: Những giọt nước bọt bắn ra từ đường hô hấp của người bệnh qua hắt hơi, sổ mũi, nói chuyện hoặc lây trực tiếp từ dịch tiết của người bệnh sang người lành.
Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua việc dùng chung các đồ dùng, vật dụng như bàn chải đánh răng, khăn mặt… mà các đồ dùng vật dụng này có dịch tiết từ tổn thương hoặc các giọt bắn từ nước bọt của người bị bệnh.
Khi mới phát bệnh sẽ có biểu hiện nổi ban dạng nốt sẩn màu đỏ, có thể rất ngứa… nên nhiều cha mẹ hay nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác.
Mặc dù thủy đậu là một bệnh lây nhiễm nhưng rất lành tính, biến chứng hiếm gặp. Tuy nhiên, điều trị không đúng cách hoặc người bệnh không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ có thể sẽ gặp phải các biến chứng không mong muốn.
TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện 108) cho biết, thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu phát triển và lây lan, bệnh gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não. Di chứng sau đó có thể kèm theo như điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động… Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu khi mang thai có thể mắc phải các dị tật bẩm sinh. Bệnh thủy đậu không phải chỉ gặp ở trẻ em mà bệnh thủy đậu còn gặp ở người lớn với các biểu hiện đôi khi còn nặng nề hơn.
Phòng tránh ra sao?
Chỉ riêng tại Hà Nội, tính từ đầu năm đến thời điểm này đã ghi nhận 800 ca thủy đậu (cùng kỳ năm ngoái chỉ có 11 ca). Đặc biệt, tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố đã ghi nhận một số chùm ca bệnh thủy đậu, tay chân miệng. Thời điểm hiện tại chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, với thời điểm giao mùa như hiện nay, số ca mắc thuỷ đậu vẫn còn có thể gia tăng liên tục trong thời gian sắp tới. Vì vậy, ngành y tế và ngành giáo dục cần phối hợp xử lý các chùm ca thủy đậu trong trường học. Đồng thời, nhà trường theo dõi sát tình hình sức khỏe học sinh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.
Đối với bệnh thủy đậu, hiện tại không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh thủy đậu. Việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. Vì vậy việc chăm sóc người bệnh thủy đậu đóng một vai trò quan trọng, cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, thay quần áo và tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm sạch, tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.
Bệnh có thể lây lan nhanh chóng và trở thành dịch nên việc phòng ngừa thủy đậu là rất quan trọng. Phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách chủ động và có hiệu quả nhất đó là chủng ngừa thủy đậu bằng vaccine. Đối với các trẻ lớn hơn và người lớn, nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng thủy đậu. Ngoài ra, cần thường xuyên vệ sinh tay sạch bằng xà phòng, hướng dẫn trẻ không đưa tay lên mắt mũi miệng.
Theo các nghiên cứu, nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại vẫn có nguy cơ bị thủy đậu sau khi tiêm chủng. Dù vậy các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu (khoảng dưới 50 nốt), và thường là không bị biến chứng.
Khi nhà có trẻ bị bệnh, nên hạn chế tiếp xúc gần như ôm hôn, không dùng chung dụng cụ và thức ăn chung với trẻ khác.
Đối với trẻ ở độ tuổi đến trường, nên cho trẻ nghỉ học đến khi mụn nước khô đóng vẩy để tránh lây nhiễm cho bạn học. Bên cạnh đó, cần vệ sinh đồ dùng học tập, các bề mặt trẻ hay chạm vào để làm sạch virus gây bệnh…
Một điều cần lưu ý, phụ huynh không nên chữa trị tại nhà cho trẻ khi nhiễm bệnh mà nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán. Tuy bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn từ 1 đến 2 tuần nhưng nếu không điều trị đúng cách sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm khác.