Qua bão lũ là 'bão dịch'
Nhiều tuần sau khi cơn bão lớn Freddy tấn công Mozambique lần thứ hai, quốc gia này vẫn đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch tả có nguy cơ làm tăng thêm sự tổn thương.
Nhiễm khuẩn nguồn nước, dịch tả lây lan
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ), tính đến ngày 27/3, đã có hơn 19.000 trường hợp mắc bệnh tả được xác nhận trên 8 tỉnh của Mozambique, con số này đã tăng gần gấp đôi trong một tuần.
Freddy có thể là cơn bão tồn tại lâu nhất từ trước đến nay, nó kéo dài hơn 5 tuần và tấn công Mozambique tới 2 lần. Trong lần thứ nhất, cơn bão nhiệt đới đã giết chết 165 người ở Mozambique, 17 người ở Madagascar và 676 người ở Malawi. Tuy nhiên, sau hơn 2 tuần cơn bão đi qua, hơn 530 người vẫn mất tích ở Malawi nên số người chết ở nước này có thể vượt quá con số 1.200.
Freddy đổ bộ lần thứ 2 vào tỉnh Zambezia của Mozambique, nơi nhiều ngôi làng vẫn bị ngập lụt và nguồn cung cấp nước vẫn bị ô nhiễm.
Tại một bệnh viện ở Quelimane - thủ phủ của tỉnh Zambezia (Mozambique) - Tổng Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Eduardo Sam Gudo Jr đã báo cáo rằng, có 600 trường hợp mắc bệnh tả mới được xác nhận mỗi ngày chỉ riêng ở quận Quelimane, tuy nhiên con số trên thực tế có thể lên tới 1.000 trường hợp. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Mozambique, từ ngày 15- 29/3, ít nhất 31 người đã chết và hơn 3.200 người phải nhập viện vì bệnh tả ở Zambezia.
Các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận nhiều nhất ở khu vực lân cận Icidua - nơi hầu hết cư dân sống trong những túp lều bằng tre hoặc đất nung và lấy nước bằng xô từ các giếng chung. Lũ lụt đã khiến nhiều giếng trong số này tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm do nước thải chảy tràn và các nguồn vi khuẩn khác. Bệnh tả lây lan qua chất thải của con người, thường là khi nó nhiễm vào nguồn nước.
Nhưng cho đến khi các đường ống dẫn nước bị vỡ do lũ lụt được sửa chữa, những giếng này là nguồn nước duy nhất cho người dân ở Icidua và các cộng đồng tương tự.
Hiện tại, các giải pháp tạm thời đang mang lại hy vọng duy nhất để ngăn chặn sự bùng phát dịch tả. Các tình nguyện viên đi từng nhà để phân phát chai Certeza - một giải pháp lọc nước bằng clo tại địa phương. Mỗi chai đủ dùng cho 1 gia đình trong một tuần, nhưng nguồn cung đang cạn kiệt do sản xuất địa phương phải vật lộn để theo kịp nhu cầu. “Cũng không có đủ người để phân phối Certeza, ngay cả khi nguồn cung cấp lớn hơn có thể được mua” - ông Gudo nói.
Trong khi đó, các nhân viên y tế đang phải vật lộn để điều trị cho những người nhiễm bệnh trong khi nhiều phòng khám và bệnh viện bị hư hỏng nặng.
Ông José da Costa Silva - Giám đốc của trung tâm y tế Icidua - cho biết: “Lốc xoáy đã phá hủy cơ sở hạ tầng ở đây. Chúng tôi đang làm việc ở những phần chưa bị phá hủy của bệnh viện. Thậm chí, một số đồng nghiệp phải làm việc ngoài trời vì không có đủ chỗ cho tất cả mọi người”.
Theo Cơ quan Quản lý thảm họa của đất nước này (INGD), có tổng cộng 80 trung tâm y tế đã bị ảnh hưởng bởi 2 trận bão Freddy đổ bộ vào Mozambique.
Khó khăn trong khắc phục hậu quả
Mặc dù lốc xoáy thường xảy ra ở miền Nam châu Phi từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm, nhưng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến các cơn lốc xoáy nhiệt đới trở nên ẩm ướt hơn, dữ dội hơn và thường xuyên hơn. Sự kiện La Nina tự nhiên hiện đã tiêu tan cũng làm trầm trọng thêm hoạt động của lốc xoáy trong khu vực. Mặc dù nguyên nhân dẫn đến sự tàn phá nặng nề của bão Freddy vẫn chưa được khẳng định là do biến đổi khí hậu, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết, nó có tất cả các dấu hiệu của một sự kiện thời tiết do nóng lên toàn cầu.
Được hình thành vào đầu tháng 2 ngoài khơi Australia, cơn lốc xoáy có tuổi thọ đặc biệt này đã thực hiện một chuyến đi chưa từng có, dài hơn 8.000km từ Đông sang Tây qua Ấn Độ Dương. Nó đi theo một đường vòng hiếm thấy, tấn công Madagascar và Mozambique lần đầu tiên vào cuối tháng 2, sau đó một lần nữa vào tháng 3 trước khi đổ bộ vào Malawi.
2 tuần sau tác động cuối cùng của cơn bão, việc khôi phục nguồn cung cấp nước bình thường ở Mozambique vẫn sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn nữa vì nhiều đường ống bị hư hỏng chạy qua các khu vực vẫn không thể tiếp cận được.
Ông Myrta Kaulard - điều phối viên thường trú của LHQ tại Mozambique - nói với AP: “Đợt bùng phát dịch tả ở một vùng đồng bằng ngập nước với mực nước ngầm rất cao. Vệ sinh là một vấn đề lớn và lũ lụt đã ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như đường ống dẫn nước và cung cấp điện… Sửa chữa cơ sở hạ tầng ở các khu vực bị ngập lụt là một nhiệm vụ bất khả thi khác”.
Trong khi đó, các vùng nông thôn xung quanh Quelimane đang phải đối mặt với các mối đe dọa khác. Nhiều ngôi làng và cánh đồng vẫn ở dưới nước, độ ẩm đã tạo môi trường thuận lợi sinh sôi những đàn muỗi mang mầm bệnh sốt rét.
Theo ông Hilário Milisto Irawe - một người đứng đầu địa phương, trong một trại di dời tạm thời trên bờ ruộng lúa ngập nước gần làng Nicoadala, 20 trong số 290 cư dân đang bị bệnh sốt rét.
Có 444 trường hợp mắc bệnh sốt rét được báo cáo ở quận Quelimane chỉ trong ngày 24/3, nhưng con số này có thể cao hơn nhiều vì nhiều người không được tiếp cận với các cơ sở y tế.
Cùng với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, sinh kế vật chất của hàng trăm nghìn người đang gặp rủi ro khi Freddy tấn công ngay trước vụ thu hoạch chính. Nó cũng mang theo nước biển vào đất liền, đe dọa sự màu mỡ lâu dài của đất ở một khu vực mà tình trạng suy dinh dưỡng đã trở thành kinh niên.
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cũng đang khẩn trương kêu gọi tài trợ 155 triệu USD nhằm ứng phó với tác động của lũ lụt và dịch tả đối với trẻ em và các gia đình trong khu vực, đồng thời cung cấp vật tư cứu sinh, dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật về nước, dịch vụ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân; dịch vụ sức khỏe…
Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti kêu gọi các nước châu Phi sẵn sàng ứng phó các nguy cơ khí hậu, giúp các cộng đồng có thể đối phó tốt hơn với tác động của các thảm họa thiên nhiên tàn khốc.
Ngay cả trước khi bão Freddy ập đến, Malawi và Mozambique cũng nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt bùng phát dịch tả. Văn phòng khu vực của WHO cho biết, dịch tả đang ảnh hưởng đến 14 quốc gia châu Phi. Dịch bệnh này cũng đang trở nên trầm trọng hơn do khí hậu ngày một khắc nghiệt.