Thưởng tiền cho nhà thầu, tại sao không?
Việc đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, đặc biệt là công trình giao thông trọng điểm là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, hầu hết các công trình giao thông lại chậm trễ. Một trong những nguyên tắc phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia là phải đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật; trong đó có hạ tầng giao thông, bởi giao thông là mạch máu của nền kinh tế, đường đi đến đâu là kinh tế phát triển đến đó, đường đi đến đâu là văn minh lan tỏa đến đó…
Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm phát triển hệ thống giao thông, nhưng các dự án luôn gặp nhiều khó khăn. Đã có nhiều ý kiến chỉ ra nguyên nhân của sự chậm trễ, trong đó nổi lên nguyên nhân về giải phóng mặt bằng, thiếu vốn, năng lực nhà thầu yếu, các gói thầu bị chia nhỏ, thiếu vật liệu đắp nền… Từ đó dẫn đến chậm tiến độ.
Vậy, cần làm gì để chấm dứt tình trạng đó?
Trước hết phải giải quyết triệt để những nguyên nhân gây ra chậm trễ đã được chỉ ra. Tuy nhiên, ý kiến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm cần có cơ chế thưởng cho nhà thầu, là rất đáng chú ý.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng có tờ trình gửi Chính phủ về những vấn đề của 19 dự án giao thông trọng điểm trên cả nước. Trong đó đáng chú ý là đề xuất về cơ chế thưởng, nguồn tiền thưởng hợp đồng cho các nhà thấu khi hoàn thành công trình sớm. Tuy nhiên, hiện Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công cũng như các văn bản hiện hành không quy định cụ thể về khoản chi độc lập để thưởng hợp đồng.
Nhưng pháp luật về xây dựng lại quy định thưởng hợp đồng là một nội dung của hợp đồng, gắn với giá trị gói thầu. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng phần vốn dư sau đấu thầu (bao gồm cả chỉ định thầu) và chi phí tiết kiệm trong quá trình thực hiện gói thầu làm nguồn thưởng hợp đồng. Việc ban hành cơ chế thưởng hợp đồng với các dự án giao thông trọng điểm quốc gia nhằm kích thích các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các dự án giao thông trọng điểm vào khai thác trong thời gian nhanh nhất, sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn - Cà Mau; phấn đấu đến năm 2030 cả nước có được 5.000km đường bộ cao tốc.
Trên thực tế, ở nước ta cũng đã có địa phương thực hiện việc thưởng hợp đồng. Cụ thể là vào năm 2009, tỉnh Bình Dương đã ban hành quy chế thưởng, phạt tiến độ thực hiện hợp đồng, với mức thưởng không quá 12% giá trị làm lợi từ hợp đồng. Hoặc tại dự án đường trên cao Mai Dịch - Bắc Hồ Linh Đàm (thuộc đường vành đai 3 Hà Nội), Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) đã thưởng cho nhà thầu thi công 180 tỷ đồng khi họ rút ngắn thời gian thi công các gói thầu từ 15-30 tháng, tiết kiệm chi phí khoảng 1.499 tỷ đồng.
Thưởng cho nhà thầu hoàn thành vượt thời hạn hợp đồng cần được có cơ chế rõ ràng để khuyến khích và cũng không để làm sai. Đã có thưởng thì phải có phạt với nhà thầu chậm tiến độ, như vậy mới công bằng.
Ở một khía cạnh khác, tình trạng thiếu vật liệu để xây dựng cao tốc đang rất thời sự. Việc này gây lãng phí lớn khi làm chậm tiến độ xây dựng. Nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND các tỉnh nơi có dự án cao tốc đi qua, khi chậm trễ, lừng khừng trong việc cho phép mở mỏ khai thác. Tuy nhiên, để gỡ khó thì ý kiến của ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam là rất đáng chú ý. Ông Chủng cho rằng nên giao những mỏ vật liệu đã được quy hoạch cho các nhà thầu với những điều kiện ràng buộc và phải có trách nhiệm hoàn trả sau khi dự án hoàn thành. Theo ông Chủng, mỏ đất đai, vật liệu là tài nguyên đất nước và hệ thống đường cao tốc cũng là của nhà nước thì phải ưu tiên sử dụng cho các dự án trước.
Khi mỏ vật liệu được giao cho các nhà thầu sẽ khắc phục được hai vấn đề. Một là các nhà thầu chủ động được nguồn vật liệu cho dự án, hai là không bị ép giá.
Nếu được như vậy thì mọi chuyện sẽ rất chủ động. Không lý gì các công trình giao thông trọng điểm lại chậm trễ nữa.