Cú hích cho công nghiệp điện ảnh
Điện ảnh được xác định là ngành mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên để điện ảnh thực sự phát triển cần phải đổi mới đồng bộ. Khi đó, mới khắc phục được tình trạng nhiều phim làm ra không đến được với khán giả.
Nhiều khởi sắc
Điện ảnh Việt Nam được coi như nhân chứng của từng giai đoạn lịch sử. Trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang được xem là mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Trong vài năm trở lại đây, chất lượng nền điện ảnh nước nhà đã dần được nâng cao, lượng phim kém, nhảm nhí đã dần biến mất trên thị trường. Một số bộ phim đề tài chiến tranh đạt chất lượng, được trao giải tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam và giải Cánh diều như: Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại, Những đứa con của làng, Truyền thuyết về Quán Tiên... Một số bộ phim Nhà nước đặt hàng được trao các giải thưởng quốc tế cũng như giải trong nước như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến...
Bên cạnh đó, một số bộ phim Việt Nam của các hãng phim tư nhân hút thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khám giả đem về doanh thu cao và được đánh giá tốt về chất lượng như “Hai Phượng”, “Cua lại vợ bầu”, “Mắt biếc”… Có những hãng tư nhân không đặt mục tiêu thương mại mà hướng đến “phim nghệ thuật”, nên đã có một số bộ phim được trao giải tại các LHP quốc tế khác như: Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư, Song lang…
Gần đây, phim “Nhà bà Nữ” của đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên Trấn Thành liên tục cán những kỷ lục: Phim Việt có số lượng suất chiếu cao nhất mọi thời đại với 4.500 suất/ngày, phim Việt đạt mốc doanh thu 110 tỷ đồng nhanh nhất mọi thời đại - sau 4 ngày chiếu, phim có doanh thu trong ngày cao nhất lịch sử phim Việt với 36,6 tỷ đồng, phim cán mốc 300 tỷ đồng chỉ sau 11 ngày khởi chiếu, phim bán được 5 triệu vé sau 19 ngày và hiện đã đạt doanh thu gần 500 tỷ đồng, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử… Cùng thời điểm với “Nhà bà Nữ”, phim “Chị chị em em 2” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng gia nhập danh sách “phim trăm tỷ”.
Cần những cơ chế đặc thù để thúc đẩy
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Luật Điện ảnh đã tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà. Từ chỗ điện ảnh chỉ được coi là một ngành nghệ thuật, Luật đã xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế.
Với nhiều điểm mới, Luật Điện ảnh được kỳ vọng sẽ là tiền đề thúc đẩy xây dựng những chính sách hỗ trợ để triển khai hiệu quả, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, xây dựng công nghiệp điện ảnh. Đặc biệt, việc hợp tác công - tư huy động các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá… sẽ được các cơ quan quản lý xúc tiến, xây dựng, triển khai phù hợp.
Tuy nhiên, theo TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, để Luật đi vào đời sống, cần những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp từ Nhà nước để phát huy hết năng lực sáng tạo của nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công - tư trong sản xuất, phát hành - phổ biến phim, phát triển thị trường điện ảnh Việt và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh dần lớn mạnh.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mũi nhọn, các chính sách của Nhà nước về tài trợ sản xuất phim, bảo hộ phim trong nước vô cùng quan trọng.
NSND Đặng Nhật Minh khẳng định vai trò quan trọng của việc Nhà nước đặt hàng và tài trợ sản xuất phim hàng năm tạo nên nhiều bộ phim hay cho điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc chọn lựa phim được Nhà nước hỗ trợ phải kỹ càng hơn. Chỉ đặt hàng một vài nhà làm phim hoặc lựa chọn từ kịch bản có sẵn để hỗ trợ sản xuất thì khó có phim hay. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tổ chức các cuộc thi lớn, huy động nhiều đối tượng tham gia, để đãi cát tìm vàng, chọn kịch bản tốt, những người làm phim tốt, mới tạo được những bộ phim thành công, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, Bộ luôn mong muốn và tìm mọi cách để đưa nền điện ảnh Việt Nam phát triển. Luật Điện ảnh vừa được Quốc hội thông qua vào năm 2022 cho thấy chúng ta có nền tảng về mặt pháp lý đầu tiên, là Luật tiên tiến, có nhiều điểm mới so với Luật Điện ảnh cũ và điện ảnh trong khu vực.
“Trước đây chúng ta chưa đưa danh mục của ngành văn hóa nói chung cũng như ngành điện ảnh nói riêng vào ưu đãi. Vì vậy, chưa huy động được các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào phát triển điện ảnh. Nếu có nguồn lực này sẽ tạo thêm nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo được nhiều hướng đi để quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới” - ông Đông nhấn mạnh.