Lãi suất giảm, chọn kênh đầu tư nào?
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm hạ nhiệt nhanh sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh trần lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng thì đầu tư vào kênh nào đang là mối quan tâm của nhiều người.
Lãi suất đang hạ nhiệt
Hiện mặt bằng lãi suất huy động giảm đáng kể so với mức đỉnh hồi cuối năm ngoái. Mức lãi suất phổ biến cao nhất khoảng 8,5-8,6%/năm hiện áp dụng ở một số ngân hàng thương mại cổ phần thay vì 9,2%, hay 9,5% vào thời điểm tháng 10 năm 2022.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) áp dụng lãi suất 9%/năm duy nhất khi khách gửi kỳ hạn 12 tháng lĩnh lãi cuối kỳ; các kỳ hạn trên 12 tháng còn lại lãi suất phổ biến 8,6%/năm.
Tại Nam A Bank, lãi suất cao nhất là 8,7%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm online kỳ hạn 7-8 tháng; các kỳ hạn còn lại dù gửi dài hạn, lãi suất cũng chỉ khoảng 8,6%/năm; trong khi nếu gửi tại quầy lãi suất cao nhất chỉ là 8,1%/năm.
Kienlongbank đang huy động tiền gửi với lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy kỳ hạn 10-13 tháng là 8,6%/năm. Nếu khách gửi online, lãi suất cao nhất là 8,8%/năm cho các kỳ hạn 12-13 tháng…
Còn với khối ngân hàng thương mại Nhà nước, lãi suất huy động tiết kiệm còn thấp hơn. Vietcombank đã giảm 0,2%/năm lãi suất ở đa số kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng được giữ ổn định ở mức 4,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng giữ ở mức 5,4%/năm. Ở kỳ hạn từ 6 tháng trở đi, lãi suất đồng loạt giảm, kỳ hạn 6 và 9 tháng còn ở mức 5,8%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng còn mức 7,2%/năm. Biểu lãi suất như này cũng tương tự tại 3 ngân hàng có vốn nhà nước khác là VietinBank, BIDV và Agribank.
Theo NHNN, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn dưới 6 tháng để các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, trên cơ sở đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính; tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 4,5%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố cho biết lãi suất tiếp tục hạ nhiệt trong bối cảnh thanh khoản dồi dào cũng như phản ứng trước động thái hạ một số lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước.
Đầu tư vào kênh nào cho hiệu quả?
Nếu như cách đây 4 tháng, nhiều người đã lựa chọn gửi tiết kiệm để sinh lời trong bối cảnh các kênh đầu tư đầy khó khăn thì nay, xu hướng đang có sự thay đổi.
Anh Trương Hồng Quý (đường Hồng Tiến – Long Biên – Hà Nội) chia sẻ thông tin anh có sổ tiết kiệm sắp đến ngày đáo hạn và phân vân không biết nên rút toàn bộ tiền để đầu tư trồng chanh leo ở Đắc Lắc hay là dành một phần vào chứng khoán và bất động sản?
Nhiều người dân cũng cho rằng, khủng hoảng của thị trường tài chính toàn cầu khiến lãi suất tiết kiệm vụt sáng. Thế nhưng giờ đã qua thời kỳ gửi tiết kiệm lấy tiền lãi. Một số kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, hay đôla đã có dấu hiệu sôi động trở lại sau một thời gian trầm lắng. Đặc biệt thị trường vàng đang có những bước sóng lớn, hấp dẫn nhà đầu tư khi đã có đợt tăng giá mạnh. Cụ thể, ngày 5/4, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 66,6 – 67,2 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 66,6 – 67,22 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng mạnh 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước vẫn thấp hơn khoảng 11 triệu đồng/lượng. Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank nói rằng năm nay, giá vàng có thể vượt mức đỉnh đã được thiết lập năm 2020. Tuy vậy, tỷ suất sinh lời của vàng vẫn thua kém nhiều kênh đầu tư khác. Chưa kể, vàng trong nước và vàng thế giới không có sự liên thông, nên rất rủi ro cho nhà đầu tư.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng, năm 2022, tốc độ tăng giá của vàng chỉ 7%, so với lãi suất ngân hàng từ 9 - 11%/năm nên kênh đầu tư này bị tụt hạng. Nhưng sang năm 2023, cục diện đang thay đổi khi lãi suất tiết kiệm bắt đầu giảm trong khi giá vàng tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng.
Có nên đầu tư vàng thời điểm này? Ông Nguyễn Ngọc Trọng- Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, cho rằng: "Không nên mua vàng miếng SJC thời điểm này. Nếu muốn sở hữu vàng, có thể chọn nữ trang, nhẫn". Theo phân tích của ông Trọng, giá vàng thế giới thời gian qua tăng đột biến và có thể sẽ vượt mức 2.000 USD/ounce. Một số dự báo của các tổ chức kỳ vọng giá vàng sẽ lên 3.000 USD/ounce nhưng cần thêm thời gian. Mặc dù kim loại quý quốc tế tuần qua tăng nhưng giá vàng trong nước lại ít biến động, có thời điểm còn giảm ngược chiều thế giới do nhu cầu vàng trong nước giảm mạnh.
Đánh giá về các kênh đầu tư, ông Phan Dũng Khánh khuyến nghị: Với thị trường bất động sản, khả năng vẫn sẽ còn khó khăn cho đến hết năm sau, bởi bất động sản luôn là thị trường sau cùng phục hồi. Ông Matthew Smith, Giám đốc Phân tích công ty chứng khoán Yuanta cũng cho rằng, lãi suất giảm các doanh nghiệp địa ốc được hưởng lợi. Tuy nhiên, họ chưa thể phục hồi ngay trong ngắn hạn, sẽ phải mất một khoảng thời gian để nhóm này tái cơ cấu, củng cố tình hình tài chính.
“Cơ hội đối với ngành bất động sản có thể xuất hiện vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024. Tuy nhiên, ở thời điểm này tôi chưa đủ tự tin để đưa ra khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản lớn”, ông Matthew Smith nhận định.
Theo giám đốc Phân tích công ty chứng khoán Yuata khi lãi suất giảm, chứng khoán sẽ tăng giá. Dự báo từ tháng 6/2023 trở đi, thị trường cổ phiếu sẽ tích cực hơn.
Năm 2023 được kỳ vọng sẽ có những chính sách tích cực giúp phục hồi, phát triển kinh tế nhanh chóng, do đó, cơ hội đầu tư cũng trở nên sáng sủa. Các chuyên gia kinh tế cho biết, những kênh đầu tư thường được nhắc nhiều nhất là bất động sản, chứng khoán, vàng, ngân hàng. Tuy nhiên, mỗi kênh đều có những ưu thế và hạn chế riêng, nên đổ tiền vào đâu nhà đầu tư cũng phải hết sức cân nhắc.