Hàng Việt tìm thị trường mới

THANH GIANG 06/04/2023 06:15

Thời gian qua, xuất khẩu của các doanh nghiệp tại TP HCM liên tục sụt giảm. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những thị trường xuất khẩu truyền thống, doanh nghiệp cần khai thác thị trường mới, thị trường ngách nhằm gia tăng xuất khẩu.

Khó khăn kéo dài, dệt may vẫn thiếu đơn hàng sản xuất.

Một số ngành hàng sụt giảm mạnh

Theo ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, nhiều lĩnh vực đang giảm tỷ trọng xuất khẩu. Điển hình, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm hơn 8% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp (DN) đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Dự báo, các tháng tới sẽ là giai đoạn khó khăn đối với DN ngành dệt may. Ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ cũng giảm xuất khẩu khoảng 15%, trong đó các sản phẩm dăm, viên nén, pallet, đồ gỗ giảm đến 45%.

Bày tỏ lo ngại về hoạt động xuất khẩu của một số ngành nghề, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP HCM nhận định, điện tử và cơ khí giảm mạnh, lần lượt là 14,4% và 6,5%. 2 ngành này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành, trong đó điện tử chiếm 22%, cơ khí chiếm 16,5%. Bên cạnh đó, những ngành sản xuất có sự sụt giảm tương đối lớn trong quý I/2023 vừa qua như da giày, dệt may, đồ gỗ là những mặt hàng chịu tác động mạnh từ các thị trường xuất khẩu.

Ông Đỗ Thành Quan - Cục trưởng Hải quan TP HCM bày tỏ quan ngại về kết quả xuất khẩu trong thời gian qua của DN. Theo lãnh đạo Cục Hải quan thành phố, quý I/2023, hoạt động xuất nhập khẩu giảm đáng kể. Lượng hàng hóa qua các cảng, nhất là hàng không giảm từ 30 - 40% so với cùng kỳ 2022. Kết quả này chứng tỏ DN đang thật sự gặp khó khăn. Trước sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu, ông Quan bày tỏ lo ngại, công tác thu ngân sách của TPHCM cũng ảnh hưởng. Quý I, đến hiện tại thu ngân sách 27.500 tỷ đồng đạt 19% chỉ tiêu. Những mặt hàng chủ lực giảm rất nhiều ảnh hưởng đến thu ngân sách. Ví dụ máy móc, thiết bị, phụ tùng giảm 24%, hàng điện tử giảm 53%, sắt thép giảm 43%...

“Tình hình xuất nhập khẩu quý II dự báo sẽ khó khăn hơn quý I, khi các vấn đề khủng hoảng tài chính bắt đầu xảy ra trên thế giới” - ông Quan nói. Theo vị này tính toán, dự kiến thu ngân sách của quý II trên địa bàn thành phố cũng sẽ tiếp tục giảm sâu, có thể lên đến 12%.

Khai thác các thị trường mới

Các chuyên gia khẳng định, năm nay xuất khẩu của các ngành sẽ khó khăn hơn năm 2022, vì vậy, để hỗ trợ sản xuất công nghiệp phục hồi trong thời gian tới, TP HCM cần có những giải pháp hỗ trợ “dày” hơn, quy mô lớn hơn cho ngành công nghiệp so với các tỉnh, thành phố khác. “Giải pháp hiện nay là tiếp tục tạo thuận lợi cho thương mại, du lịch phát triển và đối thoại với DN nhằm tháo gỡ vướng mắc, cải cách hành chính để tạo điều kiện tốt nhất cho môi trường hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt tăng cường công tác chống buôn lậu” - đại diện Cục Hải quan thành phố nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM cho rằng: “Trước đến giờ chúng ta tập trung vào những thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Đông Bắc Á... Trong điều kiện cầu bị co hẹp, chúng tôi kiến nghị thành phố có những hỗ trợ chương trình xúc tiến cho thị trường ngách, thị trường mới. Vì còn thị trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức như Nam Mỹ, các quốc gia Trung Đông. Cần có xúc tiến mở thị trường mới ngoài những mặt hàng truyền thống có thế mạnh”. Theo ông Hòa, Hiệp hội DN TP HCM cần thiết lập kênh kết nối định kỳ với cơ quan thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, nhằm thúc đẩy sự tăng cường hợp tác, đầu tư, giao thương Việt Nam với nước ngoài.

Còn ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, TP HCM sẽ triển khai hàng loạt giải pháp cụ thể hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng cường tận dụng các hiệp định thương mại tự do. Cùng với đó, tháng 5 tới sẽ tổ chức diễn đàn chuyên về xuất khẩu.

Ngoài ra, Sở Công thương TP HCM sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư phát triển hệ thống phân phối, hệ thống đại lý thu mua theo hướng tăng cường hơn nữa mối quan hệ liên kết giữa các địa phương, liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Trong đó chú trọng thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa DN với DN, giữa DN với hệ thống phân phối của TPHCM với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và một số tỉnh phía Bắc.

THANH GIANG