Hải Dương: Mặt đê hữu sông Thái Bình xuống cấp
Tình trạng mặt đê hữu sông Thái Bình ngày càng xuống cấp trầm trọng khiến người dân 2 xã Đức Chính và Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) và các phương tiện khi lưu thông qua đây bất an.
Tuyến đê hữu sông Thái Bình đoạn từ huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) chạy qua huyện Cẩm Giàng và TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) đến quốc lộ 5 có chiều dài khoảng 10km.
Đoạn qua 2 xã Cẩm Văn và Đức Chính, huyện Cẩm Giàng dài khoảng 3,2km vừa là tuyến đường thông thương giữa các tỉnh Hải Dương - Bắc Ninh, vừa là một trong những tuyến chính để người dân địa phương lưu thông ra bãi canh tác nông nghiệp.
Theo phản ánh của người dân, nhiều năm qua, mặt đê hữu sông Thái Bình đoạn qua địa phận 2 xã Đức Chính và Cẩm Văn xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó các phương tiện giao thông di chuyển qua đây liên tục tăng, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.
Bà Hoàng Thị H., (ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn) cho biết, nhà bà cách mặt đê chừng 50 m, khi trời nắng thì nhà cửa thường xuyên bị bụi phủ, mưa thì bùn lầy lên tận mắt cá chân, chỉ sơ sẩy là có thể sa chân xuống ổ gà, ổ voi trên đường.
“Chỉ quãng đường có gần 2km trên đê để ra ruộng cà rốt ngoài bãi nhà mình nhưng hàng ngày vợ chồng tôi luôn lo lắng bởi xe tải, xe bồn các loại chạy rầm rập với tốc độ cao. Không tránh thì lao phải ổ gà như chơi”, một người dân sống tại xã Đức Chính nêu ý kiến.
Còn anh Bùi Văn Đạt (lái xe tải ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) cho hay, thường xuyên sang huyện Cẩm Giàng để thu mua nông sản qua tuyến đê này vì thuận đường từ nhiều năm nay.
Theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, đoạn đê qua địa phận các xã Đức Chính và Cẩm Văn xuất hiện chi chít các vết nứt, ở nhiều đoạn mặt trải bê tông bị gãy vỡ nham nhở, tạo thành những ổ trâu, ổ gà khấp khểnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.
Ngoài bãi sông Thái Bình có hai bến bãi tập kết nguyên vật liệu xây dựng và một trạm trộn bê tông hoạt động rầm rộ, cùng với đó là dày đặc phương tiện giao thông các loại lưu thông trên mặt đê. Có lẽ, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp của con đê như đã nói ở trên.
Thông tin với PV, ông Nguyễn Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt quản lý đê điều huyện Cẩm Giàng cho biết: “Mặt đê hữu sông Thái Bình qua huyện Cẩm Giàng được trải bê tông sớm nhất tỉnh để phục vụ công tác phòng chống lụt bão, tuy nhiên đoạn đê qua các xã Đức Chính và Cẩm Văn là nơi giao thương của các địa bàn xung quanh nên lượng phương tiện giao thông qua lại nhiều khiến tình trạng mặt đê ngày càng xuống cấp. Hạt cũng nhiều lần báo cáo đề xuất tới Chi cục đê điều tỉnh tham mưu cho Sở NN&PTNN kế hoạch duy tu, hiện vẫn đang chờ nguồn kinh phí của Bộ Nông nghiệp”.
Cũng theo ông Thái, để giảm thiểu các phương tiện có tải trọng lớn, năm 2016, Hạt đã xây dựng 2 mố trụ ở hai đầu tuyến đê. "Chúng tôi cùng người dân đều mong muốn tuyến đê sớm được đầu tư, tu bổ để công tác di chuyển, quản lý đê điều an toàn thuận lợi", ông Thái chia sẻ thêm.
Cũng liên quan đến sự việc này, trao đổi với PV, đại diện Đội CSGT Công an huyện Cẩm Giàng cho biết, tuyến đường mặt đê hữu sông Thái Bình đoạn qua xã Đức Chính và xã Cẩm Văn bị hư hỏng, xuống cấp, có nhiều vết nứt sâu, sụt lún, ổ gà, gây khó khăn cho các phương tiện đi lại, ảnh hưởng tới phòng chống bão lụt, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Công an huyện Cẩm Giàng đã có Công văn số 1176/CV-CAH ngày 5/11/2022 gửi các cơ quan chức năng về việc khắc phục sửa những bất cập trong kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông như sửa chữa, duy tu bảo dưỡng, nâng cấp tuyến đường mặt đê hữu sông Thái Bình đi qua địa bàn huyện nói trên nhưng chưa được xử lý giải quyết.
Để đảm trật tự ATGT, TTCC hạn chế nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn, Đội CSGT Công an huyện Cẩm Giàng đã thường xuyên bố trí cán bộ, chiến sỹ tiến hành phân luồng, điều hòa hướng dẫn giao thông vào các giờ cao điểm tại các điểm mà các bất cập về hạ tầng giao thông chưa được khắc phục. Đồng thời tiếp tục tiến hành khảo sát, đánh giá lại các điểm bất cập và tiếp tục đề xuất kiến nghị đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý, khắc phục những bất cập về cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông trên địa bàn huyện.
Đê hữu sông Thái Bình là tuyến đê Trung ương cấp I có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế và phòng chống thiên tai. Đề nghị các đơn vị chức năng tỉnh Hải Dương sớm kiểm tra, đề xuất phương án để tu bổ, nâng cấp tuyến đê này.