Cà Mau: Vì sao tôm, cua chết hàng loạt?
Ngành chức năng địa phương khuyến cáo người dân tạm dừng việc thả giống vào thời điểm này do ảnh hưởng bởi nắng nóng. Đồng thời, kêu gọi người dân cải tạo lại ao đầm trước khi thả giống.
Ngày 6/4, tin từ UBND xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau), xác nhận, gần đây trên địa bàn xã xuất hiện tình trạng tôm, cua chết hàng loạt. Điều này khiến cho người dân vô cùng lo lắng.
Theo đó, khoảng một tháng nay, trên địa bàn xã Khánh Thuận đã xảy ra tình trạng tôm, cua chết hàng loạt. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã cử cán bộ chuyên môn đến địa bàn thu thập thông tin, thống kê thiệt hại và báo cáo sự việc về cấp trên. Bước đầu, ngành nông nghiệp địa phương xác định, nguyên nhân tôm cua chết là do nắng nóng, thiếu thức ăn, tôm nhiễm bệnh và một phần do ao đầm bị ô nhiễm...
Chị Phạm Thị Diễm My, Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Khánh Thuận, thông tin, tình trạng tôm cua chết diễn ra rải rác trên địa bàn xã, diện tích bị ảnh hưởng của mỗi hộ dao động trong khoảng 5 ha trở lại. Trung bình, cứ mỗi ha bà con thả khoảng 15.000 con giống, tương ứng với khoảng 500.000 đồng.
Trước sự việc trên, UBND xã Khánh Thuận đã báo cáo về huyện. Tuy nhiên hiện nay, huyện chỉ hỗ trợ cho những hộ nuôi tôm siêu thâm canh, đối với những hộ nuôi truyền thống chưa có hướng dẫn. “Tôi đã xuống từng hộ, tổng hợp thành biên bản, đồng thời hướng dẫn bà con tạm thời không thả nuôi mà tiến hành cải tạo lại ao đầm cho phù hợp, chờ thời tiết ổn định thì thả giống”, chị My nói.
Ông Trần Công Mười, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận xác nhận, trước tình hình tôm, cua chết, xã đã báo cáo về Phòng NN&PTNT huyện U Minh. Bên cạnh đó, xã đã ra khuyến cáo cho bà con nông dân nên không nên thả vào thời điểm nắng nóng như hiện nay. Để đảm bảo nhiệt độ ổn định cho tôm, cua dưới vuông nuôi, bà con đã dùng rơm cuộn hoặc dùng cây cỏ thả xuống vuông để tạo bóng mát cho thủy sản nuôi. Đồng thời, thực hiện giải pháp hiệu quả là bơm nước vào vuông nuôi cho nhiều để tạo độ sâu, giúp tôm cua có nơi tránh trú dưới đáy ao”.
Trước đó, ở huyện Năm Căn cũng xảy ra tình trạng cua chết trên diện rộng. Hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều xảy ra tình trạng cua nuôi bị chết với mức độ thiệt hại từ 30% trở lên. Nguyên nhân được xác định là do nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ.
Trước tình trạng trên, bà con nông dân mong muốn ngành chức năng sớm tìm ra giải pháp để khắc phục tình trạng này nhằm giúp cho bà con nông dân yên tâm lao động sản xuất. Theo người dân, thời điểm này cua biển được thương lái thu mua với giá rất cao nhưng cua sau khi bắt lên lại chết, không bán được.
Trước tình hình trên, Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn cho biết, đến thời điểm này chưa có giải pháp phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị đối với mầm bệnh nêu trên. Do đó, ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện một số biện pháp tạm thời để hạn chế thiệt hại như khẩn trương thu hoạch số cua còn lại, không thả con giống mới khi chưa cải tạo vuông nuôi...