TikToker, Youtuber quấy rối nghệ sĩ: Bất chấp sản xuất nội dung phản cảm
Nhiều chủ tài khoản TikToker, Youtuber vì muốn thu hút sự quan tâm của cư dân mạng đã bất chấp sản xuất nội dung phản cảm, thậm chí quấy rối đời sống nghệ sĩ nổi tiếng. Điều này đang khiến “phong trào” Tiktoker, Youtuber trở thành vấn nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người và ảnh hưởng sâu xa đến toàn xã hội.
Câu view bất chấp
Thời gian gần đây, ở những sự kiện vui buồn của người nổi tiếng, giới Streamer (TikToker, Youtuber) xuất hiện ngày càng đông, một số bất chấp mọi chuẩn mực đạo đức chỉ nhằm để câu view, kiếm tiền. Không chỉ sản xuất video chứa nội dung phản cảm, hành động quấy rối đời tư của nghệ sĩ nổi tiếng khiến “phong trào” Streamer trở thành vấn nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người và trở thành mối lo ngại cho toàn xã hội.
Sự việc diễn ra trong lễ cúng thất thứ tư cho cố NSƯT Vũ Linh là một ví dụ điển hình. Theo đó, một nhóm YouTuber đã có mặt quanh khu vực nhà riêng của nghệ sĩ Vũ Linh để chụp ảnh, livestream. Nhóm Youtuber này sẵn sàng cầm thiết bị quay chụp đứng chờ 4-5 giờ liền để ghi lại toàn cảnh lễ cúng thất của "ông hoàng cải lương".
Trước đó, trong hơn 3 ngày diễn ra tang lễ cố nghệ sĩ, nhiều TikToker, Youtuber kéo đến nhà cố tình tìm mọi cách để quay thi hài ông. Các Streamer chen lấn, xô đẩy để có được hình ảnh gần nhất, cận nhất của người nổi tiếng.
Tại lễ hạ huyệt nghệ sĩ Vũ Linh, nhiều Streamer thậm chí đứng, trèo lên phần mộ của những người đã khuất ở nghĩa trang để quay hình.
Sự việc trong lễ tang NSƯT Vũ Linh cũng không phải là trường hợp duy nhất. Nghệ sĩ Việt Hương, MC Đại Nghĩa, danh hài Thúy Nga… cũng rơi vào tình trạng tương tự khi bỗng dưng nghe tin mình đã mất trên một vài kênh Youtube.
Hay như sự việc gia đình nghệ sĩ Hồng Nga, Streamer còn tìm đến nhà quấy rối khiến người trong cuộc phải lên tiếng. Theo đó, người nhà nghệ sĩ chia sẻ, thời gian qua, nhiều người tới chỗ ở của nghệ sĩ Hồng Nga để xin được phỏng vấn, quay hình. Tuy nhiên, vì nữ nghệ sĩ cần được nghỉ ngơi, đồng thời trí nhớ của bà không còn minh mẫn như trước nên người thân không muốn cho xuất hiện thông tin nào, vì sợ ảnh hưởng đến hình ảnh mà nghệ sĩ Hồng Nga gây dựng bao năm qua. Mặc dù gia đình đã từ chối nhưng những người này không chịu về, vẫn túc trực gần nhà khiến sinh hoạt của nghệ sĩ Hồng Nga và người nhà bị đảo lộn.
Việc nghệ sĩ Hồng Nga bị một số YouTuber làm phiền, quấy rối khiến cư dân mạng không khỏi bức xúc. Nhiều người bày tỏ không hài lòng khi một số thành phần bất chấp để câu view, trục lợi cho bản thân bằng những thông tin “không đúng sự thật”.
Cách nào dẹp loạn?
Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Đại học Giáo Dục - ĐHQGHN) nêu lên hậu quả về hiện trạng YouTuber bất chấp văn hóa, đạo đức để bịa đặt, "câu view": “Sự việc câu view bất chấp trước tiên sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người sản xuất video. Việc không hiểu biết rõ thông tin trên môi trường số rất dễ lan truyền và tồn tại mãi mãi trên đó. Khi đưa những sự việc mang tính chất tranh cãi, cá nhân người tạo nên video sẽ phải chịu trách nhiệm với pháp luật, trở thành vết nhơ về giá trị, về mặt đạo đức. Từ đó, hủy hoại danh tiếng của chính họ.
Tai tiếng và sự nổi tiếng chỉ cách nhau một làn ranh vì vậy những nội dung mang tính chất câu view nhẹ nhất sẽ bị người khác đánh giá, nhìn nhận không tích cực. Việc câu view, câu like bất chấp của Streamer còn dẫn đến việc mất cơ hội trong sự nghiệp, mất cơ hội làm việc, đi học, thăng tiến trong các mối quan hệ. Nhận thức không đủ dễ khiến những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số ảo tưởng về giá trị của mình với xã hội”.
Bên cạnh đó, khi những video không đúng sự thật, xấu xí lan truyền trên mạng xã hội lại dễ khiến người khác lầm tưởng về chuẩn mực giữa cái đúng, cái tốt trong xã hội. Đối tượng dễ nhiễm những điều xấu nhất lại là giới trẻ - những người chưa có đủ nhận thức, chiêm nghiệm trong cuộc sống.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, gốc rễ của việc giáo dục ảnh hưởng trực tiếp đến việc định hướng nội dung trên nền tảng số và cho cả thế hệ trẻ. Sản xuất video trên lĩnh vực số cần hướng đến giá trị cho đất nước, cho tương lai.
Thông qua giáo dục để hướng dẫn công dân trở thành những con người luôn ý thức được trách nhiệm của mình trước các vấn đề của cộng đồng, đất nước và cả thế hệ của mình. Đồng thời, phải rèn cho họ sự hi sinh, tinh thần cống hiến, đấu tranh dẹp cái xấu, cái ác, nhân lên cái đẹp. Song song với đó là sự kiểm soát chặt chẽ, chính sách kiểm soát, sàng lọc nội dung các video trước khi đưa lên mạng xã hội.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng sản xuất video độc hại trên các nền tảng xã hội, trước đó, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình - thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết, vào tháng 5 tới đây sẽ thanh tra toàn diện các nền tảng này do xuất hiện nhiều nội dung xấu độc, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan…
"TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, và pháp luật đó không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo… để tổng hợp đồng bộ các giải pháp thì họ mới tuân thủ quy định tốt của Việt Nam", ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.