Ban Tuyên giáo Trung ương quán triệt, triển khai các quy định mới của Ban Bí thư
Phát biểu tại hội nghị quán triệt, triển khai 4 quy định mới của Ban Bí thư Trung ương và xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, các quy định mới này là kết quả của quá trình nghiên cứu, sơ kết, tổng kết, là những văn bản rất quan trọng, khẳng định vai trò trực tiếp, toàn diện của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo...
Sáng 6/4, tại TP Sầm Sơn, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam và Tỉnh ủy Thanh Hoá tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định 85-QĐ/TW, 99-QĐ/TW, 100-QĐ/TW, 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII; xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025). Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.
Chủ trì hội nghị có các ông: Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa…
Theo đó, 4 quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng được triển khai lần này gồm: Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 7/10/2022 về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội; Quy định số 99-QĐ/TW, ngày 27/2/2023 về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng; Quy định số 100-QĐ/TW, ngày 28/2/2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 28/2/2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí.
Mở đầu hội nghị, ông Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã quán triệt mục đích, ý nghĩa hội nghị, trong đó nêu rõ: 4 quy định mới được quán triệt tại hội nghị ngày hôm nay là những văn bản rất quan trọng, khẳng định sự quan tâm sâu sắc, vai trò trực tiếp, toàn diện của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; có tác động trực tiếp đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong cả nước. Nội dung các quy định được chuẩn bị công phu, chu đáo, bài bản, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, cần được quán triệt, triển khai nghiêm túc, bài bản, thật sự đi vào cuộc sống, áp dụng thống nhất trong cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị.
Theo ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, việc ban hành 2 quy định là Quy định 100 và Quy định 101 đã tiếp tục khẳng định và làm rõ vai trò lãnh đạo trực tiếp và thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ cơ quan báo chí, nhà xuất bản; là cơ sở chính trị để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Qua đó, đã góp phần hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng, góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản có bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức để “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá” theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Các đại biểu đều đánh giá rằng, 4 quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng đều là quy định quan trọng, khẳng định sự quan tâm sâu sắc, vai trò trực tiếp, toàn diện của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong việc thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; tạo sự thống nhất trong việc sử dụng cờ Đảng trong toàn hệ thống chính trị.
Tại hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thông tin tới các đại biểu tình hình chung, những kết quả nổi bật mà tỉnh đạt được trong những năm gần đây. Ông Hưng khẳng định: Trong những năm qua, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh đã diễn ra rất sôi động, các cơ quan báo chí, xuất bản đã hoạt động theo đúng Luật Báo chí, bám sát tôn chỉ, mục đích và định hướng tuyên truyền của Trung ương cũng như của địa phương để đồng hành cùng tỉnh. Với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, các cơ quan báo chí đã kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt, đồng thời phê phán, lên án những vấn đề bất cập, tiêu cực, trở thành kênh phản biện xã hội quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe dự thảo Đề án kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025). Đây là sự kiện chính trị nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với báo giới cả nước nhằm nhìn lại, đánh giá, tổng kết, để tự hào nhưng cũng là để cùng nhau xây dựng những chiến lược, kế hoạch, để báo chí cách mạng vững vàng bước sang giai đoạn phát triển mới; cổ vũ, động viên báo giới cả nước tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, các văn bản mới được quán triệt tại Hội nghị ngày hôm nay là kết quả của quá trình nghiên cứu, sơ kết, tổng kết; đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ, quán triệt đầy đủ tại cơ quan, đơn vị; đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chủ quản báo chí, nhà xuất bản, lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản hiểu đầy đủ, chuẩn xác những quy định mới của Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện; kịp thời báo cáo, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Ban Tuyên giáo Trung ương để có chủ trương chỉ đạo kịp thời, sát, phù hợp với tình hình thực tế.