Làm rõ thông tin người Việt bị bắt vì vượt biên trái phép vào Đài Loan
Đó là khẳng định của Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng tại họp báo chiều 6/4.
Về việc các cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện nhiều thi thể trôi nổi trên biển, trong đó có 7 người Việt Nam, đề nghị cho biết phía Việt Nam đã liên hệ được với gia đình của các nạn nhân chưa? Người thân có thắc mắc gì về nguyên nhân tử vong không? Khi nào họ sẽ được thu xếp sang Đài Loan? Ngày 4/4/2023, Đài Loan tiếp tục bắt giữ 12 người Việt Nam vượt biên trái phép trên biển. Trước những vụ việc vượt biên gần đây, phía Việt Nam có cách lý giải như thế nào? Lý do những người này chọn sang Đài Loan? Việt Nam đã triển khai công tác điều tra chưa? Có hay không băng nhóm tội phạm nào đứng đằng sau các vụ việc này? Loạt câu hỏi được báo giới gửi tới Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao trong họp báo thường kỳ.
Về thông tin Đài Loan bắt giữ 12 người Việt vượt biên trên biển, Phó phát ngôn cho biết, bà cũng vừa nhận được thông tin, "phía Đài Loan phát hiện 12 người này mang giấy tờ tuỳ thân Việt Nam". Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) để nắm bắt thông tin và kịp thời triển khai các biện pháp bảo hộ cần thiết.
Bộ Ngoại giao cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước để làm rõ thông tin, theo dõi vụ việc, có biện pháp nâng cao nhận thức của người dân về di cư hợp pháp an toàn và ngăn chặn những vụ việc tương tự tái phát.
Liên quan tới thông tin phát hiện một số thi thể người nước ngoài trong đó có một số thi thể mang giấy tờ tuỳ thân Việt Nam trong khu vực biển Đài Loan cuối tháng 3, Phó phát ngôn cho biết, Cục Lãnh sự và Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) theo sát vụ việc, hỗ trợ thân nhân những người được cho là mất tích tiến hành các thủ tục xác minh nhân thân và xử lý các vấn đề hậu sự.
Nói thêm về vấn đề phòng ngừa vượt biên trái phép, bà Hằng khẳng định, "Chính phủ Việt Nam chủ trương tạo thuận lợi cho di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người."
Thời gian qua, Việt Nam quyết liệt tăng cường triển khai công tác phòng, chống mua bán người, cũng như triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với các giải pháp, nhiệm vụ mới nhằm ngăn chặn mua bán người trong mọi lĩnh vực. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) theo Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/03/2020, nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức trong đó có Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) trong việc ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây đưa người di cư trái phép theo quy định của pháp luật đồng thời sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia nhằm xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan nhằm bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn, ngăn chặn nguy cơ mua bán người vì quyền và lợi ích chính đáng của người di cư