Lao xao mặt nước Hồ Tây
Những ngày qua, một trong những câu chuyện thời sự nhất với người Hà Nội là việc tàu thuyền có thể được kinh doanh trở lại trên Hồ Tây hay không. Đây là việc đã vắt từ năm này sang năm khác. Tuy nhiên, vào chiều 28/3 mới đây, tại phiên họp thứ bảy của Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy cho biết, quan điểm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy đối với công tác quản lý Hồ Tây là trước mắt không xem xét đưa du thuyền hoạt động trở lại.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo tập trung di dời hết các tàu cũ còn lại, bảo đảm cảnh quan, môi trường của khu vực Hồ Tây. Ông Dũng cho biết, sau này, nếu đưa du thuyền hoạt động trở lại thì cũng phải xem xét rất kỹ mọi mặt, nhất là tuyệt đối bảo đảm lâu dài, bền vững môi trường nước, giữ gìn sinh thái trong hồ.
Trước đó, trên báo chí đã giới thiệu nội dung Dự thảo Quy định quản lý Hồ Tây; rất rõ ràng với 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động gồm tàu du lịch, thuyền, xuồng ca nô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực). Các dịch vụ bơi thuyền gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống; hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn…
Trong quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận được UBND thành phố phê duyệt, Hồ Tây sẽ có 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy. Quận Tây Hồ tổ chức đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với các hạng mục này. Tàu thuyền hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ ở đây cũng do quận Tây Hồ quản lý.
Được biết, vào thời gian cao điểm, từng có 14 doanh nghiệp tham gia quản lý, khai thác bến thủy nội địa, sử dụng tới 147 phương tiện thủy nội địa để kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí... trên mặt nước Hồ Tây. Tuy nhiên, do nhiều bất cập, tới đầu năm 2017, thành phố Hà Nội đã chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh; xác định vị trí và di chuyển tàu, thuyền, phương tiện nổi về vị trí tập kết; lên kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện ra khỏi Hồ Tây.
Đến nay, 143/147 tàu vi phạm đã được di dời khỏi Hồ Tây. Hiện 4 con tàu còn nằm lại thì đúng là cảnh “trơ gan cùng tuế nguyệt”, nhìn rất buồn bã.
Hồ Tây cùng Hồ Gươm là hai hồ nước nổi tiếng không chỉ với Hà Nội mà còn cả nước. Là người Việt Nam, không ai lại không biết Hồ Gươm, Hồ Tây. Hồ Gươm, rộng 12ha, gắn với truyền thuyết Vua Lê sau chiến thắng đã trả gươm lại cho Rùa thần hồi đầu thế kỷ 15. Nay, một quận trung tâm bậc nhất của Thủ đô Hà Nội được vinh dự mang tên Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm).
Hồ Tây cũng vô cùng danh giá và nay cũng là tên của một quận (quận Tây Hồ). Khi chưa bị thu hẹp hồ rộng tới 500 ha, có nghĩa là rộng gấp gần 10 lần Hồ Gươm. Nếu như mặt Hồ Gươm có màu lục thủy thì Hồ Tây lại mênh mông sương khói. Rất nhiều áng văn chương, thi phú, khúc hát về Hồ Tây. Trong ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội”, Trịnh Công Sơn viết những câu thật tha thiết: “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”.
Xung quanh Hồ Tây thật đẹp. Đường Thanh Niên mà thế hệ người Hà Nội xưa quen với tên gọi Cổ Ngư sau này cũng thành câu hát lứa đôi của nam thanh nữ tú Hà thành “đường Cổ Ngư xưa chậm chậm bước ta về”. Trải bao biến thiên lịch sử thì “vẫn đây lối xưa hồn thu thảo” với nhiều đền chùa lừng lẫy, như đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc và phủ Tây Hồ. Và còn cả “tình này đây xin soi bóng mặt gương trong xanh, theo gió bay về xa xưa”...
Gìn giữ Hồ Tây nhưng cũng không cần thiết phải “đóng băng” hồ. Mặt nước mênh mông gần 500ha sẽ là một nguồn lực vô giá nếu khai thác tốt. Hồ Tây hoàn toàn có thể trở thành một điểm du lịch đặc sắc của Thủ đô cũng như của cả nước. Tiếc rằng trước kia khi kinh doanh nhà hàng ăn uống nổi trên mặt hồ, người ta đã làm bẩn nước hồ. Hồ Tây bị ô nhiễm, có những ngày cá chết nổi bụng bập bềnh theo sóng gió mà tấp vào bờ. Ai cũng xót xa.
Nhưng nếu có những quy định chặt chẽ và ý thức của chủ kinh doanh cũng như du khách nâng lên thì sao? Không lẽ cứ để phí một hồ nước mênh mông như thế cho mấy người câu cá trộm thi thoảng lại ù té chạy khi có người đến bắt?
Vì thế Dự thảo Quy định quản lý Hồ Tây, cũng như ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội đều là cần thiết. Đó là sau này nếu đưa du thuyền hoạt động trở lại thì phải xem xét rất kỹ mọi mặt, nhất là tuyệt đối bảo đảm lâu dài, bền vững môi trường nước, giữ gìn sinh thái cũng như vẻ đẹp bất tận của Hồ Tây. Cần phải thay đổi cách hành xử không quản được thì cấm, trong đó có Hồ Tây.