Vụ cấp 'khống' giấy khám sức khỏe tại Hải Phòng: Áp dụng xử lý hành chính hay hình sự?
Phòng khám cấp “khống” giấy khám sức khỏe là vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hay vi phạm hình sự? Một vụ án có những "điểm mờ" gây nhiều tranh cãi tại Hải Phòng cần làm sáng tỏ.
Vướng vòng lao lý vì 4 giấy khám sức khỏe “khống”
Theo cáo trạng truy tố, sáng 7/5/2021, Phạm Ngọc Vũ là nhân viên vi tính Phòng khám đa khoa Kỳ Đồng (Phòng khám Kỳ Đồng, số 268 Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đã nhận tin nhắn của một lái xe ôm tên là Vũ Danh Đức với nội dung "làm giấy khám sức khỏe cho Bùi Quang Anh" (trú trại Lê Lai, Lạc Viên, quận Ngô Quyền) và 2 người nữa tên là Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Ngọc Hiếu (là các đối tượng đang bị tạm giam trong một vụ án khác). Khoảng 10h cùng ngày, khi giấy khám sức khỏe đang được một lái xe ôm khác là Nguyễn Ngọc Bách trao tay cho khách hàng thì bị Công an quận Ngô Quyền bắt quả tang.
Theo điều tra, Lê Sỹ Trị là Giám đốc Chi nhánh Cty Cổ phần Bệnh viện Tâm Phúc - Trung tâm Dịch vụ y tế Hải Phòng, đơn vị chủ quản của Phòng khám Kỳ Đồng, đã “ngầm” chỉ đạo các bác sĩ, nhân viên ký xác nhận “khống” cho người có nhu cầu khám sức khỏe để học lái xe mà không cần tới khám. Mỗi giấy khám sức khỏe “khống”, Lê Sỹ Trị sẽ hưởng lợi 200.000 đồng. Trong vụ việc này, các đối tượng thu lợi số tiền bán 3 giấy khám sức khỏe là 1,2 triệu đồng, đối tượng Vũ Danh Đức dự định sẽ chuyển khoản cho Lê Sỹ Trị 600.000 đồng.
Vụ án đang điều tra thì ngày 8/9/2021 có đối tượng Nguyễn Quốc Hưng (trú tại Đông Trà 4, Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) dù không là đối tượng liên quan vụ án nhưng đến giao nộp cho cơ quan Công an 1 giấy khám sức khỏe mang tên mình. Hưng khai mua giấy này trên mạng, do Phòng khám Kỳ Đồng cấp ngày 27/4/2021. Mở rộng điều tra, Công an không phát hiện trường hợp khám sức khỏe “khống” nào khác tại Phòng khám Kỳ Đồng ngoài 4 giấy nêu trên.
Do nhóm y tá và bác sĩ liên quan, có một bác sĩ đang là quân nhân nên vụ án được chuyển sang Cơ quan tố tụng Quân chủng Hải quân. Ông Lê Sỹ Trị và 9 đồng phạm khác bị truy tố về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015. Ngày 28/10/2022, Toà án quân sự Quân chủng Hải quân đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Sỹ Trị 2 năm 6 tháng tù giam, các bị cáo khác cùng bị phạt tù và tiền cho tội danh này.
Có dấu hiệu hình sự hóa vi phạm hành chính
Theo Luật sư Đặng Thị Thanh Xuân, Đoàn Luật sư Hà Nội, Phòng khám Kỳ Đồng không thể làm giả tài liệu, giấy tờ của chính họ. Theo quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi làm giả tài liệu, giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi viết, vẽ, in,... các loại giấy tờ, tài liệu giả giống như các loại tài liệu, giấy tờ thật của các cơ quan, tổ chức đang sử dụng trong khi những người thực hiện hành vi này không có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tạo ra những giấy tờ, tài liệu đó. Những giấy khám "khống" trong vụ án này đều do Phòng khám Kỳ Đồng phát hành.
Luật sư dẫn chứng, đến thời điểm hiện tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất quy định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể Điều 46 về vi phạm quy định về khám sức khỏe quy định "Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cung cấp giấy khám sức khỏe khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu...”. Vậy nên hành vi "không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu...” là bao gồm cả "khám không đầy đủ các nội dung theo yêu cầu và không khám mà vẫn cung cấp giấy khám sức khỏe”, Luật sư Xuân nêu quan điểm.
Theo Luật sư Phạm Duy Bình - Văn phòng luật sư Phạm Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội, tất cả chữ ký, con dấu ghi trên các giấy khám sức khỏe này đều là thật, và có giá trị pháp luật. Nhưng theo quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015, thì đối tượng tác động của tội phạm này phải là con dấu giả, tài liệu giả, giấy tờ giả. Vậy nên Phòng khám Kỳ Đồng sử dụng con dấu của đơn vị mình thì không đủ yếu tố để cấu thành của tội phạm "Làm giả giấy tờ, con dấu...". Tức là phòng khám chỉ có thể vi phạm “không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu” theo như quy định tại Điều 46 - Nghị định số 117/2020/NĐ-CP như nêu trên.
Luật sư Bình khẳng định Phòng khám Kỳ Đồng chỉ vi phạm quy trình khám, chữa bệnh, trong lĩnh vực y tế, và chỉ có thể bị xem xét xử lý vi phạm hành chính. Các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015 để xử lý là không đúng quy định của pháp luật hình sự, và có dấu hiệu hình sự hóa vụ việc hành chính. Và đáng chú ý, nguyên tắc suy đoán vô tội đã không được áp dụng tại tòa là một bất lợi cho các bị cáo.
Nhiều "điểm mờ" trong vụ án
Bị cáo Lê Sỹ Trị đã liên tục kêu oan, khẳng định quá trình lấy lời khai, CQĐT đã không ghi âm, ghi hình, cũng không có kiểm sát viên chứng kiến. Bị cáo không xác nhận đã chỉ đạo nhận làm giấy khám sức khỏe “khống”, và nêu rõ chứng cứ ngoại phạm rằng ngày xảy ra vụ việc, ông không có mặt ở phòng khám, cũng không có bất kỳ liên lạc nào với y tá, bác sĩ của Phòng khám Kỳ Đồng.
Điểm “mờ” khác trong vụ án này, Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Ngọc Hiếu (là 2 người được làm giấy khám sức khỏe “khống” nêu trên) đều khẳng định trong thời gian bị tạm giam không gửi thông tin, hình ảnh cho ai khác để nhờ làm giấy khám sức khỏe học lái xe. CQĐT, Viện kiểm sát và Tòa án đều chưa làm rõ vì sao thông tin của 2 người này lại lọt ra bên ngoài để người khác sử dụng? Và sử dụng nhằm mục đích gì? Hoặc nhân thân Hưng và Quang Anh là thế nào? Những giấy khám sức khỏe "khống" này đã gây nên hậu quả gì, nghiêm trọng đến đâu, cũng chưa được làm rõ?
Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, mặc dù giấy và con dấu là thật nhưng nội dung là giả, việc khám không đầy đủ và không có người đến khám là hoàn toàn khác nhau nên không chấp nhận quan điểm bào chữa.