Nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả
Ngày 5/4, tại TP Cần Thơ, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 – 2025.
Thông tin về công tác giảm nghèo của TP Cần Thơ, bà Trần Thị Xuân Mai - Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Phong trào thi đua gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã phát huy vai trò cộng đồng đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong 10 năm qua Cần Thơ có 147 mô hình sinh kế giảm nghèo, phát huy thế mạnh miền sông nước, điều kiện tự nhiên phù hợp như: Trồng cây ăn trái (mít, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, xoài cát…); chăn nuôi gà, vịt, cá, lươn…; đan lát nguyên liệu từ cây tre, thân lục bình; dệt chiếu; đan lưới; mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… Hầu hết các mô hình hoạt động hiệu quả đã giúp người dân thoát nghèo.
Bên cạnh đó, các mô hình hiệu quả đã góp phần đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, có thu nhập ổn định. Hiện nay, thành phố có 33 mô hình sinh kế/giảm nghèo đang thực hiện tốt được nhân rộng, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương…
Bà Mai cho biết thêm: Bám sát tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau cùng với cả nước, TP Cần Thơ đã từng bước vượt qua khó khăn, chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo vươn lên phát triển kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo. Kết quả, đến cuối năm 2022, qua rà soát hộ nghèo toàn thành phố có 1.009 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, vượt 0,08% so với kế hoạch. Hiện TP Cần Thơ không còn hộ nghèo, cận nghèo, không có hộ tái nghèo, tái cận nghèo…
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ kiến nghị, không công nhận hộ nghèo đối với các trường hợp đặc thù không thể thoát nghèo như: Hết tuổi lao động (người cao tuổi cô đơn), hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo có người mắc bệnh hiểm nghèo. Theo đó, Trung ương cần có chính sách riêng hỗ trợ các hộ đặc thù này…
Còn bà Trần Thúy Ái - Phó Trưởng ban Thi đua khen thưởng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành nhiều chính sách đặc thù về giảm nghèo như: Hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia, hộ nghèo theo chuẩn tỉnh và hộ thoát nghèo trong 3 năm, ngoài ra các hộ thoát nghèo trong 3 năm này được vay vốn tín dụng ưu đãi; Hỗ trợ tiền điện cho các hộ cận nghèo, nâng mức chuẩn trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ 450 nghìn đồng, mở rộng đối tượng trợ cấp… Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh từ 2,04% (đầu năm 2020) giảm xuống còn 1,51% so với tổng số hộ dân cuối năm 2022. Đặc biệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều quốc gia vào cuối năm 2022, về đích sớm 3 năm so với kế hoạch. Năm nay, tỉnh phấn đấu cuối năm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tỉnh giảm còn 1,45%, tiếp tục duy trì kết quả tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều quốc gia.
Ông Phan Văn Hùng - Phó Trưởng ban Thi đua khen thưởng Trung ương nhận định: Được phát động từ năm 2016, phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thực sự đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cùng với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân… góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của cả nước. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các bộ, ban, ngành, địa phương đã phối hợp tuyên truyền, tích cực thực hiện phong trào thi đua và mục tiêu giảm nghèo thông qua cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội, tổ chức thực hiện tháng cao điểm vì người nghèo hàng năm tạo nguồn lực giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cộng đồng nghèo vùng sâu, vùng xa… các mô hình này cần được nhân rộng hơn nữa để chung tay giúp người nghèo vươn lên.
Nhiều mô hình hiệu quả được thông tin tại hội nghị như: Dự án chăn nuôi bò của tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 định hướng đến năm 2030 được xem là dự án chăn nuôi bò quy mô lớn nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu tăng tỷ trọng chăn nuôi đến năm 2030 đạt 30% gia tăng giá trị và phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo hướng hàng hóa. Thời gian qua, mô hình đã phát triển hiệu quả, nhiều hộ gia đình nhanh chóng thoát nghèo bền vững và có nguồn thu nhập rất cao.