Tăng 'đề kháng' trước tin xấu, độc

LÊ ANH 07/04/2023 07:00

Hiện nay, với sự phát triển của mạng xã hội đã đi cùng với sự nảy nở nhiều luồng thông tin độc hại, xuyên tạc sự thật, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, hơn nữa còn phương hại đến uy tín, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hướng dẫn nhận biết tin giả. Nguồn: Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam.

Đây là thực trạng được cảnh báo tại Hội nghị triển khai thực hiện quy định số 85-QĐ/TW của Ban Bí thư về việc “cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội” diễn ra tại TPHCM. Tại Hội nghị này, nhiều ý kiến của đại biểu đã bày tỏ lo ngại khi những hiện tượng nổi cộm, những diễn biến phức tạp đang ngày càng nảy sinh nhiều hơn.

Cách đây chưa lâu, liên quan đến một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng xã hội tổ chức livestreams trên YouTube, Facebook và một số ứng dụng như Tiktok, Instagram,… còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, dẫn đến việc cơ quan chức năng phải tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Điển hình như vụ bị can Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng Giám đốc công ty CP Đại Nam), Bộ Công an đã nhận định là một chuỗi hành vi diễn ra trong nhiều năm và trải qua thời gian dài xác minh, xử lý. Liên quan đến vụ án, Công an TPHCM đã khởi tố nhiều cá nhân về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Bản thân bị can Phương Hằng cũng bị khởi tố và bắt tạm giam từ ngày 24/3/2022 cho đến nay.

Trước đó, một số kênh YouTube độc hại của các tài khoản Timmy TV, Hưng Blog, Hưng troll, kênh Thơ Nguyễn cũng từng bị Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM và Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) xử phạt hành chính, trong đó có tài khoản bị yêu cầu đóng kênh do có nội dung vi phạm pháp luật.

Thời gian gần đây trên địa bàn cả nước phát hiện nhiều cá nhân đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như phát trực tuyến (livestreams), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi qua nhóm (chat) để đăng tải, tuyên truyền các nội dung xấu, độc. Tại nhiều thời điểm, các cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu Google đóng nhiều kênh YouTube của người dùng trong nước do có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục và vi phạm pháp luật Việt Nam. Việc phải tìm ra các giải pháp giúp “đề kháng” trước các tin tức xấu, độc là nhiệm vụ được đặc biệt ưu tiên trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ thông tin, nhất là số lượng người sử dụng ứng dụng công nghệ và mạng xã hội ngày càng gia tăng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM cho rằng, không chỉ tăng cường công tác quản lý, xử phạt đối với các thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội mà bản thân từng cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục cũng cần thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, giảng viên, sinh viên, học sinh và người lao động trong việc sử dụng mạng xã hội hiệu quả, thiết thực và lành mạnh. Nhất là, cần phải trang bị các kỹ năng tiếp nhận thông tin, phân tích, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm “Phát huy vai trò đội ngũ giáo viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” được tổ chức tại TPHCM mới đây cũng đã góp ý giải pháp mỗi giáo viên không ngừng nâng cao trình độ nhận thức chính trị để có được “bộ lọc” khách quan, trung thực, chính xác. Từ đó, định hướng cho học sinh nhận diện được những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu, độc ngay từ ghế nhà trường. Nhất là, đội ngũ giáo viên cần gương mẫu và là tấm gương cho học sinh trong việc chia sẻ các tin tốt, nghĩa cử cao đẹp, tích cực trên không gian mạng xã hội.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) và Sở TT&TT các tỉnh, thành phố cũng đang phối hợp tăng cường rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trong cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các thông tin xấu, độc và vi phạm pháp luật.

LÊ ANH